Thực hiện giảm lãi suất cho vay:
Cần “tiếng nói” chung
18:55', 30/7/ 2012 (GMT+7)

Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, kể từ ngày 15.7, các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng thương mại phải thực hiện việc đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức trần 15%/năm để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, qua gần nửa tháng triển khai thực hiện tại tỉnh ta, đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Nhiều vướng mắc

Ngày 26.7 vừa qua, Đoàn công tác NHNN Việt Nam, do Phó Thống đốc Nguyễn Toàn Thắng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, đại diện một số hiệp hội ngành nghề và nhiều DN đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).

 

Các TCTD trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ DN.

- Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU

Ông Nguyễn Văn Thâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh, cho biết: Bình Định từng là 1 trong 4 trung tâm đồ gỗ của cả nước, kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Thời gian qua, do suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao, chi phí đầu vào của ngành gỗ tăng trên 30% so với đầu năm 2011, nhưng giá đầu ra không tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD của nhiều DN. Trong đó, nhiều DN gặp khó khăn về nguồn vốn, nhưng lại khó vay được vốn của ngân hàng…

Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Đá Bình Định, cho biết: Thời gian gần đây, các DN chế biến đá gặp khó vì thiếu vốn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1/3 DN chế biến đá xuất khẩu cần vốn nhưng đã đến kỳ trả nợ ngân hàng và khoảng 40% lượng hàng do các DN này sản xuất ra đang tồn kho…

Ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết điều kiện để các DN trong các khu công nghiệp vay vốn cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Do thời gian đầu nhiều DN trong các khu công nghiệp xây dựng nhà xưởng không xin phép, khi thế chấp tài sản vay vốn, ngân hàng đòi giấy phép xây dựng thì không có. Giờ đây, khi DN cần giấy phép xây dựng thì Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh không thể cấp lại được, chỉ xác nhận là nhà xưởng xây dựng đúng quy hoạch, nhưng các TCTD không chấp nhận.

Ngược lại, ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng: Khoảng 10 năm qua, các TCTD trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong việc cho các DN vay vốn hoạt động. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát của các TCTD thiếu chặt chẽ, dẫn đến DN làm ăn thua lỗ, nợ xấu, nên khi ngân hàng hạ lãi suất thì nhiều DN cũng  không thể vay vốn…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng thì cho rằng, không chỉ thiếu vốn, một số DN trên địa bàn tỉnh đã không còn tài sản thế chấp để có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, một số chính sách của Nhà nước thiếu nhất quán, thiếu tính ổn định, bền vững (trong đó có việc thay đổi trần lãi suất) đã gây khó khăn cho DN…

Cần “tiếng nói” chung

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các DN có điều kiện tháo gỡ khó khăn, phát triển SXKD một cách ổn định?

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO, các TCTD cần quan tâm đến hoạt động SXKD đặc thù của ngành gỗ để đề ra cơ cấu cho vay, trả lãi phù hợp. Đối với các DN chế biến gỗ, thời gian từ lúc đầu tư, sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đến khi thu lãi ít nhất là 6 tháng, nên khi cho DN chế biến gỗ vay vốn, các ngân hàng cần quan tâm đến việc cơ cấu về thời gian, số tiền và lãi suất. Riêng về quy định giảm trần lãi suất cho vay xuống còn 15%, NHNN cần quan tâm đến tính pháp lý và có chế tài cụ thể, nếu không chủ trương này khó khả thi…

Ông Phạm Xuân Thủy thì đề nghị các TCTD nên chia sẻ khó khăn với DN, nhất là việc xem xét hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống còn 15% và các khoản vay mới xuống còn 12%-13%/năm; đồng thời tạo điều kiện cho các DN không còn tài sản thế chấp, nhưng thực sự có năng lực sản xuất và có phương hướng kinh doanh khả thi được vay vốn…

Thay mặt Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh, ông Nguyễn Văn Thâm kiến nghị NHNN và các TCTD cần cơ cấu lại nợ vay của các DN (gia hạn trả nợ, giãn nợ các khoản vay cũ với mức lãi suất dưới 15%/năm và thấp hơn nữa); tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các khoản vay mới, cho phép tăng hạn mức tín dụng đối với các DN chế biến gỗ xuất khẩu; tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở mức dưới 10%/năm…

Ông Nguyễn Kim Phương đề nghị: Không phải DN nào cũng phải được ngân hàng “cứu”. Nếu DN đã rơi vào tình thế quá bi đát, không thể vực dậy thì ngân hàng không nên tiếp tục “bơm” vốn, nếu không hậu quả sẽ khôn lường…

Đại diện của hầu hết các TCTD trên địa bàn đều cho rằng: Ngân hàng sẵn sàng thực hiện việc giảm lãi suất cho vay xuống còn 15%/năm. Tuy nhiên, các DN phải hết sức cầu thị, hợp tác, báo cáo cụ thể thực trạng, mức độ khó khăn của đơn vị; nếu có “bệnh” thì phải cụ thể “bệnh” gì, mức độ “bệnh” ra sao. Đáng tiếc là tại buổi làm việc các hiệp hội ngành nghề đã không nêu lên được cụ thể khó khăn của DN... Ngoài ra, các TCTD cũng cảnh báo: Đối với những DN có năng lực tài chính yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu sức cạnh tranh, khả năng trả nợ kém, chưa có phương án kinh doanh khả thi và các chỉ số an toàn về tài chính suy giảm… thì ngân hàng sẽ không cho vay vốn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng yêu cầu lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và lãnh đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh cần lĩnh hội tất cả ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, hiệp hội ngành nghề và các DN, từ đó nghiên cứu, xem xét, xử lý, giải quyết từng trường hợp cụ thể; đồng thời phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc giảm lãi suất vay về mức tối đa 15%/năm. Ngoài ra, Phó Thống đốc đã giao Chi nhánh NHNN tỉnh chủ trì, thực hiện việc thành lập tổ công tác, trực tiếp làm việc với các ngân hàng thương mại  để xem xét cụ thể tình hình cho vay, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.    

  • Viết Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiện dụng, nhưng không nên lạm dụng  (30/07/2012)
Nhiều hệ lụy  (29/07/2012)
Khởi động Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ  (30/07/2012)
Hơn 100ha lúa vụ Thu bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng  (29/07/2012)
Trở lại “điệp khúc mất mùa được giá”  (27/07/2012)
Thực hiện theo đúng lộ trình  (27/07/2012)
Giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7.2012 tăng gần 32%  (27/07/2012)
Góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới   (27/07/2012)
Liên kết cùng phát triển  (26/07/2012)
Vinh danh người nộp thuế  (26/07/2012)
Hoang mang cá nuôi lồng nhiễm bệnh  (26/07/2012)
Chưa phát hiện chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi  (26/07/2012)
Đầu tư trên 5,674 tỉ đồng nâng cấp kênh tưới hồ Hưng Long  (26/07/2012)
Quy Nhơn: Xây dựng chung cư cho người có thu nhập thấp  (26/07/2012)
Thực hiện nghiêm túc việc giảm lãi suất vay về mức tối đa 15%/năm  (26/07/2012)