Thời điểm này, lúa vụ Thu trên địa bàn tỉnh đang vào giai đoạn đòng-trổ đều. Tuy nhiên, đồng ruộng cũng đã bắt đầu xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng (RN-RLT) phát sinh gây hại lúa. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đặng Quang Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV - thuộc Sở NN-PTNT), quanh vấn đề này.
|
Nông dân xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn) phun thuốc BVTV gây hại lúa Thu.
|
* Xin ông cho biết về tình hình RN-RLT gây hại lúa trên đồng ruộng tỉnh ta hiện nay?
- Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, liên tiếp các đợt nắng nóng kéo dài và có mưa đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa vụ Thu; phát sinh một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm gây hại lúa, trong đó đáng chú ý là RN-RLT. Qua kiểm tra đồng ruộng, hiện nay, RN-RLT đang phát sinh mật độ cao cục bộ gây hại trên lúa vụ Thu giai đoạn đòng-trổ, đã có 106 ha lúa bị nhiễm rầy với mật độ trung bình từ 1.000 - 2.000 con/m2, có nơi trên 3.000 con/m2; tập trung nhiều ở An Nhơn - 52 ha, Tuy Phước 46,5 ha, Tây Sơn 3 ha, Hoài Ân 2,6 ha, Phù Cát 1,5 ha… Các giống lúa bị RN-RLT gây hại nặng gồm ĐV108, Khang Dân 18, Nhị Ưu 838…
Theo dự báo, từ ngày 4.8 đến ngày 15.8 tới, một lứa RN-RLT mới sẽ tiếp tục bùng phát gây hại mạnh diện tích lúa Thu giai đoạn trổ đến chắc xanh. Các đối tượng sâu bệnh khác như sâu đục thân, bệnh khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, thối thân, thối gốc, đen lép hạt… cũng gây hại nặng cục bộ trên diện tích lúa ở một số địa phương.
* Chi cục BVTV tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để khống chế RN-RLT và các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa vụ Thu, thưa ông?
- Rút kinh nghiệm công tác phòng chống RN-RLT từ các năm trước, Chi cục BVTV đã tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, dự tính, dự báo thời gian phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh; đồng thời tham mưu các giải pháp cụ thể để Sở NN-PTNT chỉ đạo phòng chống dịch bệnh kịp thời. Ngoài ra, lực lượng kỹ thuật của Chi cục đã trực tiếp phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh kịp thời và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ. Chi cục cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ RN-RLT và các đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng.
Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn, không để nông dân mua phải các loại thuốc kém chất lượng; chỉ đạo các Trạm BVTV kiểm tra, khoanh vùng cụ thể những diện tích đất sản xuất lúa sử dụng các giống bị nhiễm rầy nặng trong các năm trước, hướng dẫn nông dân phòng chống sâu bệnh kịp thời; nhất là hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, khi sâu bệnh phát sinh lập tức dập diệt không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, Chi cục cũng đã dự trữ thuốc BVTV, máy bơm thuốc… để tăng cường hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch…
* Ông có khuyến cáo gì với bà con nông dân trong việc sử dụng thuốc trừ sâu và tình hình sâu bệnh hại lúa trong thời gian tới?
- Để việc phòng chống RN-RLT và các đối tượng sâu bệnh hại lúa có hiệu quả, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện có RN-RLT phát sinh nên phun thuốc diệt trừ ngay. Hiện nay, thị trường thuốc BVTV khá phong phú, bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun trừ RN-RLT như: Appaudd 10WP, Trebon 10EC, Bassa 50EC, Alika 247ZC, Chess 50WG, Admire 200 OTEQ, Vicondor 700 WG... Chú ý, đối với vùng ruộng có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, nếu phun một lần còn sót nhiều, cần thiết phun lần 2 kết hợp thuốc Trebon 10EC dùng liều 50cc thuốc cộng với từ 40-50 gam Sutin 5EC, hoặc 40-50 gam thuốc Appaudd 10WP hoặc 5 gam Dantotsu 16WSG pha với 32 lít nước phun cho 1 sào lúa.
Đối với các loại sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo, bọ trĩ, sâu phao, sử dụng một trong các loại thuốc: Peran 50EC liều lượng 30cc thuốc pha với 30 lít nước phun 1 sào; Proclaim 1.9 EC, Vimatox 1.9 EC liều lượng 20cc thuốc pha với 30 lít nước/1 sào; Ammate 150 SC, liều lượng 5ml thuốc pha 24-32 lít nước/sào; Nurelle D 25/2.5EC, liều lượng 50cc thuốc pha 30 lít nước/sào, Virtako 40WG, liều lượng 3-6 gam pha 16-32 lít nước/sào. Bên cạnh việc phun thuốc BVTV theo hướng dẫn của ngành chức năng, bà con cần tăng cường đầu tư chăm sóc, bón phân đúng cách để tăng sức đề kháng cho cây trồng…
* Xin cảm ơn ông!
|