Tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía
22:0', 2/8/ 2012 (GMT+7)

BISUCO khảo nghiệm các giống mía mới cho năng suất cao tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.

Bắt đầu từ vụ ép mía 2012-2013 (từ tháng 10.2012), Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) sẽ nâng công suất từ 3.500 tấn nguyên liệu mía/ngày lên 5.000 tấn nguyên liệu mía/ngày. Thời gian qua, mặc dù BISUCO có nhiều nỗ lực trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh, song, do nhiều nguyên nhân khác nhau, kết quả còn rất hạn chế.

Theo ông Phan Lâm Tường, Phó Giám đốc BISUCO: Thời gian gần đây, việc phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do sự “cạnh tranh” khốc liệt của các loại cây trồng cạn khác. Hiện nay, diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai là 8.500 ha, trong đó, gần 6.000 ha mía nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai; diện tích mía trên địa bàn tỉnh Bình Định chỉ đạt gần 2.700 ha, thấp hơn mức kế hoạch đề ra khoảng 300 ha.

Nông dân không mặn mà với cây mía

Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định cho phép nhà máy nâng công suất ép từ 3.500 tấn nguyên liệu/ngày lên 5.000 tấn nguyên liệu/ngày từ vụ ép tới. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, từ nay đến năm 2020, kế hoạch của BISUCO là sẽ phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh lên 6.000 ha, riêng trong năm nay phấn đấu đạt 3.000 ha. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là diện tích mía khá lớn ở Tây Sơn, thị xã An Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát đang có nguy cơ bị thu hẹp dần.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Nguyên nhân khó mở rộng vùng nguyên liệu mía là do chính sách khuyến khích người trồng mía và giá cả thu mua nguyên liệu của BISUCO tuy đã có điều chỉnh, cải tiến nhưng vẫn chưa thu hút được nông dân tham gia trồng mía. Hiệu quả đầu tư và lợi nhuận của cây mía trên đơn vị diện tích không thực sự hấp dẫn so với những cây trồng khác như đậu phộng, mì, bắp lai… Đa số diện tích trồng mía của tỉnh chủ yếu ở địa bàn đất gò, đồi, thiếu nước tưới nên chưa có đủ điều kiện thâm canh cao, diện tích trồng mía lại bị manh mún không thể áp dụng cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch nên năng suất mía còn thấp, dẫn đến lợi nhuận thấp…”.

Ông Trần Văn Ba, một nông dân ở thị trấn Vân Canh, cho biết: “Trồng mía rất vất vả, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thu nhập thấp và không ổn định. Năm nào mưa thuận gió hòa, cây mía phát triển tốt thì có lãi chút đỉnh, còn năm nào thời tiết khô hạn thì không có lãi. Vụ mía vừa qua tôi làm 1,2 ha mía, thu được 40 tấn, bán cho nhà máy đường, sau khi trừ chi phí chỉ lãi được 15 triệu đồng nên năm nay tôi cho thuê đất trồng dưa hấu”.

Theo tính toán của nông dân, trồng 1ha mì với tổng chi phí đầu tư không quá 10 triệu đồng, năng suất bình quân 30 tấn củ, với giá bán 1.600-1.800 đồng/kg, thu nhập khoảng 48-55 triệu đồng/ha; trừ chi phí còn thực lãi 30 triệu đồng. Trong khi trồng mía, chi phí đầu tư khá lớn, nhưng thu nhập cũng chỉ đạt khoảng 45-50 triệu đồng/ha, sau khi trừ mọi chi phí, nông dân chỉ còn lãi khoảng 10-15 triệu đồng/ha. Với giá xăng dầu, phân bón, công lao động tăng cao như hiện nay, thu nhập từ cây mía thua xa các loại cây trồng cạn khác. Vì vậy, bà con nông dân không còn mặn mà với cây mía.

Nỗ lực phát triển vùng nguyên liệu mía

Ông Phan Lâm Tường, Phó Giám đốc BISUCO, cho biết: “Việc mở rộng vùng nguyên liệu mía đang gặp khó khăn, BISUCO đang tập trung mọi nỗ lực để khôi phục, phát triển vùng nguyên liệu mía. Trong niên vụ mới này, BISUCO đã quyết định nâng vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 80 tỉ đồng, nhằm mở rộng diện tích trồng mía lên 3.000 ha trong năm nay và tiếp tục mở rộng lên 6.000 ha đến năm 2020”.

Đối với người trồng mía trên địa bàn tỉnh, BISUCO tăng định mức đầu tư cho nông dân trồng mía mới và chăm sóc mía gốc. Đối với những diện tích mía trồng mới, nếu nông dân cam kết sản xuất đạt năng suất từ 55 tấn/ha trở lên, đơn vị đầu tư 20 triệu đồng/ha không tính lãi suất và khi nông dân cung cấp đủ sản lượng theo hợp đồng thì được thưởng trực tiếp 2 triệu đồng bằng cách khấu trừ vào tiền đầu tư đã nhận. Đối với diện tích mía chăm sóc, nếu đạt năng suất 50 tấn/ha, đơn vị sẽ đầu tư 10 triệu đồng/ha không tính lãi suất và khi cung cấp đủ sản lượng theo hợp đồng thì được thưởng 1 triệu đồng. Đối với diện tích mía trồng mới, Công ty đã nâng mức hỗ trợ cho nông dân mượn vốn không tính lãi từ 9 triệu đồng lên 15 triệu đồng/ha/vụ, trong đó hỗ trợ không hoàn lại 2 triệu đồng. Đối với việc chăm sóc mía gốc, Công ty cũng tăng mức đầu tư gấp đôi, từ 5 triệu lên 10 triệu đồng/ha/vụ không tính lãi, hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu đồng.

Trong vụ ép tới đây, Công ty cũng sẽ nâng mức giá bảo hiểm thu mua mía nguyên liệu lên mức 750 ngàn đồng/tấn. Bên cạnh đó, BISUCO đang tăng cường nhập các giống mía mới của Ấn Độ, Thái Lan, Mexico… để thay thế cho các giống mía cũ đã thoái hóa, năng suất thấp. Hiện nay, các giống mía mới đã được trồng khảo nghiệm tại các vùng nguyên liệu mía trong tỉnh, gồm các giống R579, R570, K88-65, K88-92… có tiềm năng năng suất rất cao, có thể đạt 120-150 tấn/ha. BISUCO cũng đã đầu tư kinh phí để mua thêm phương tiện cơ giới giúp nông dân làm đất thuận lợi thay cho cách làm thủ công lâu nay; đồng thời cải tiến kỹ thuật trồng mía, thâm canh để tăng thêm thu nhập cho nông dân. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân cải tiến kỹ thuật trồng mía bằng cơ giới hóa, đầu tư thâm canh để đạt năng suất, hiệu quả cao…

Mới đây, tại buổi làm việc với BISUCO, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã yêu cầu lãnh đạo công ty phải điều chỉnh các chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; đảm bảo cho người trồng mía có mức lãi hợp lý. Bên cạnh đó, BISUCO cần tập trung đầu tư du nhập, khảo nghiệm các giống mía mới, cung cấp cho nông dân nhân rộng ra sản xuất đại trà; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, nâng cao năng suất mía… UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT thành lập các Ban Chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu mía tại các địa phương trong tỉnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tập trung phát triển diện tích trồng mía mới theo kế hoạch đề ra. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để giúp doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động trong thời gian tới.

  • NGUYỄN HÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nông dân  (02/08/2012)
Giới thiệu nét độc đáo của các địa phương  (02/08/2012)
Hội thảo “Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng KCN các tỉnh duyên hải miền Trung”  (02/08/2012)
Triển khai mô hình sấy khô mực trên tàu cá  (01/08/2012)
Hướng đến sản xuất sạch hơn   (02/08/2012)
Đáp ứng đúng yêu cầu của nhà tài trợ NZAID  (01/08/2012)
Chính phủ đồng ý để UBND tỉnh làm chủ đầu tư Dự án QL 19 - GĐ1  (01/08/2012)
Chủ động phòng chống rầy gây hại lúa Thu  (31/07/2012)
Tăng cường công tác thông tin, giám sát tàu cá trên biển  (31/07/2012)
Phát triển vùng nguyên liệu mía không đạt kế hoạch  (31/07/2012)
Hai sàn tăng nhẹ phiên đầu tuần, thị trường chưa thể khởi sắc   (30/07/2012)
Xã Mỹ Hiệp khởi công xây dựng 10 tuyến đường bê tông giao thông nông thôn  (30/07/2012)
Phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn xã nông thôn mới  (30/07/2012)
Cần “tiếng nói” chung  (30/07/2012)
Tiện dụng, nhưng không nên lạm dụng  (30/07/2012)