Như tin đã đưa, ngày 2.8, tại TP Quy Nhơn, Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) các tỉnh duyên hải miền Trung” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp (DN). Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được và đưa ra ý kiến đóng góp cho sự phát triển bền vững của các KCN trong vùng.
Thực trạng các KCN trong vùng
Tuy xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung (DHMT) còn thấp, nhưng thời gian qua các địa phương trong vùng đã nỗ lực xây dựng nhiều KCN, thu hút nhiều DN vào đầu tư, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước… Đến nay, vùng DHMT có 42 KCN được thành lập, tổng diện tích 17.800 ha. Trong đó có 24 KCN với diện tích trên 5.430 ha đã đi vào hoạt động, thu hút 943 dự án đầu tư. Hiện tỉ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê của các KCN đạt 67,57%, cao hơn tỉ lệ lấp đầy của các KCN trong cả nước 2,56%.
|
Khu công nghiệp Nhơn Hòa đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện chờ đón các nhà đầu tư. Ảnh: VĂN LƯU |
Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của các KCN trong vùng đạt gần 36.000 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 150 ngàn lao động, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.237 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 2.557 tỉ đồng. Tỉ trọng giá trị SXCN trong các KCN so với tổng giá trị SXCN trên địa bàn đạt bình quân từ 30-40% và có xu hướng tăng dần.
Với 5 KCN, Bình Định là một trong những địa phương có nhiều KCN trong vùng. Trong đó, KCN Phú Tài và Long Mỹ đã được lấp đầy; KCN Nhơn Hòa đang tiếp tục triển khai xây dựng, cơ bản lấp đầy mặt bằng giai đoạn 1; KCN Cát Trinh đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư; KCN Hòa Hội đang xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục xây dựng hạ tầng. Trong 5 năm qua, các dự án tại các KCN của tỉnh đã tạo ra khoảng 35% giá trị SXCN và 40% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho 22.000 lao động.
Tuy nhiên, việc xây dựng các KCN trong vùng DHMT khá dàn trải, dẫn đến phân tán vốn đầu tư; thiếu đồng bộ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Do tình trạng phát triển tự phát, không dựa vào quy hoạch vùng, thiếu “nhạc trưởng”, nên các KCN trong vùng có hàm lượng công nghệ thấp; môi trường ô nhiễm; cơ chế, chính sách chưa thông thoáng; lao động khan hiếm và nhất là quan hệ liên kết khá lỏng lẻo.
Nói về những bất cập trong quy hoạch và xây dựng các KCN vùng DHMT, Phó Giáo sư-tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam, cho rằng: Mô thức phát triển KCN của vùng DHMT cũng giống như đa số các KCN trên cả nước là xây dựng các KCN theo kiểu “bách hóa tổng hợp”. Đó là KCN hội đủ tất cả các ngành nghề, từ chế biến nông-lâm-thủy sản đến sản xuất lượng thực, thực phẩm… Tình trạng không kết nối, không liên kết và không thể lan tỏa phát triển cũng đã thể hiện rõ nét trong quan hệ hoạt động giữa các KCN trong vùng. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh, không thể kêu gọi đầu tư hoặc kết nối hoạt động chuỗi với các DN lớn của thế giới…
Tìm cách đột phá
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được trong việc thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng KCN trong vùng, qua đó đưa ra những đề xuất, giải pháp phát triển trong thời gian đến.
Phó Giáo sư-tiến sĩ Trần Đình Thiên đề xuất: Muốn phát triển bền vững, các địa phương trong vùng không nên chạy theo phát triển số lượng các KCN và diện tích đất cho thuê kiểu “chủ nghĩa thành tích”. Các địa phương cần bổ sung và nâng cấp cơ chế phản hồi và chia sẻ thông tin với nhau nhằm tạo tiếng nói chung về các đề xuất cải tiến quy trình lập quy hoạch KCN, xúc tiến đầu tư vào các KCN. Qua đó, cùng nhau tạo sức mạnh tổng hợp để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thay vì cạnh tranh theo kiểu chèn ép như hiện nay.
Tại Hội thảo, 9 tỉnh vùng DHMT (từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận) đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển giữa các KCN trong vùng. Theo đó, các tỉnh sẽ tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển các KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao nhằm hình thành các liên kết về nguyên liệu, sản phẩm, thị trường, công nghệ, đào tạo nghề... Từng bước hình thành các KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao chuyên sâu, đẳng cấp cao (thể chế, ngành nghề, công nghệ, sản phẩm) làm đầu tàu dẫn dắt, tạo sự lan tỏa phát triển chung cho cả khu vực. Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư chung để tăng tính hiệu quả, tránh chồng chéo; thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên cho một số đối tác lớn và những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế của các KCN trong vùng… |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc: Để các KCN trong vùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì phải ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Nhưng không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải có cơ chế ràng buộc, tránh dự án treo, lãng phí đất, đồng bộ cơ chế, chính sách cho tất cả các tỉnh trong vùng. Hơn nữa, các địa phương phải có sự thống nhất về kêu gọi đầu tư, tránh để xảy ra cạnh tranh bất lợi.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn, cho rằng: Một giải pháp giải quyết được nhiều giải pháp là hình thành tuyến đường cao tốc từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Tuyến đường này sẽ thay thế được sân bay, bến cảng… và kéo “khúc ruột” miền Trung lại với nhau. Từ đó cũng sẽ xóa bỏ được tư duy “liệu cơm gắp mắm” mà các địa phương ở khu vực miền Trung lâu nay thường áp dụng. Khi giao thông thuận tiện, các KCN trong vùng sẽ bổ trợ cho nhau, phân chia lao động một cách phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung thu hút các dự án đầu tư lớn, làm “con sếu đầu đàn” trong thu hút đầu tư vào địa phương mình cũng như cho cả khu vực.
Trong cương vị Trưởng ban Điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh kết luận: Văn hóa hợp tác là cái mà khu vực DHMT đang thiếu. Căn bệnh nan y được chẩn đoán ra mấy năm nay, nhưng để trị cho dứt, không phải chuyện dễ dàng. Do vậy, cơ chế hợp tác toàn diện giữa các tỉnh trong vùng là một liệu pháp cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh cần chọn một số cán bộ trẻ, tài năng, tâm huyết gửi “học việc” tại các cơ quan lớn ở Hà Nội, nhằm tạo nguồn cán bộ cho khu vực; đặt hàng một số đề tài có ý nghĩa thúc đẩy phát triển các KCN cho nhóm tư vấn vừa mới được tăng cường; xác định một số dự án, công trình bức xúc để chuẩn bị cho cuộc làm việc tập thể giữa 9 tỉnh với các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới.
|