Việc cả nền kinh tế trong nước cũng như trên thế giới lâm vào khó khăn, tín dụng bị thắt chặt, lãi suất cao, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không tiêu thụ được sản phẩm, khó tiếp cận nguồn vay mới. Tỉnh Bình Định không phải là ngoại lệ và nhiều DN rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ và bị kiện ra tòa.
Từ đầu năm đến nay, Tòa Kinh tế, TAND tỉnh đã giải quyết 92/100 vụ án đã thụ lý, trong đó án kinh tế tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2011. Khi bị kiện ra tòa, không ít trường hợp DN đã cố tình lẩn tránh, bỏ trốn không chịu đến tòa án hoặc có thái độ không hợp tác để giải quyết vụ việc nhanh chóng, dứt điểm.
Án tín dụng chiếm tỉ lệ cao
Án tín dụng giữa DN với ngân hàng hiện chiếm tỉ lệ 65-70% tổng số án thụ lý. Theo thẩm phán Ngô Thế Quỳnh, Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND tỉnh, tình hình kinh tế khó khăn, ngân hàng thắt chặt cho vay, cộng với lãi suất cao khiến nhiều DN không tiếp cận được vốn vay, trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nên DN không còn khả năng thanh toán nợ với ngân hàng. Nhiều DN đã buộc phải hầu tòa vì lý do này. Ngoài ra, trong các hợp đồng mua bán hiện tượng chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra ngày càng phổ biến, còn trong lĩnh vực xây dựng các chủ đầu tư chậm giải ngân cho bên thi công, khiến bên này gặp rất nhiều khó khăn trong thanh toán cho phía thứ ba trở thành chuyện bình thường...
Đơn cử như trường hợp của Công ty T.H.P. (ở Tây Sơn) nợ ngân hàng khoảng 21,5 tỉ đồng. Hoặc như DNTN S.H (Quy Nhơn) nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi khoảng 45 tỉ đồng. Trong quá trình giải quyết vụ việc, các bị đơn nhiều lần lẩn tránh, cố tình vắng mặt trong phiên hòa giải cũng như xét xử, gây khó khăn cho tòa án, làm kéo dài thời gian xét xử. Nguyên nhân của các vụ lẩn tránh ấy do “hầu hết các trường hợp này đều có những khoản nợ vay lớn hơn tài sản thế chấp, không có khả năng thanh toán nợ”, như lời ông Ngô Thế Quỳnh nhận xét. Hiện có 4 vụ án tín dụng tòa đã chuyển sang cơ quan công an vì cho rằng có dấu hiệu phạm tội hình sự do các DN này đem bán tài sản đã thế chấp cho ngân hàng, nhưng quanh co chối, khai báo địa chỉ nơi để tài sản đã thế chấp không rõ ràng.
“Vướng” áp dụng tính lãi suất
Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ án tín dụng hiện đang bị vướng về việc tính mức lãi suất. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại kể từ ngày 15.7.2012 phải điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ xuống còn cao nhất là 15%/năm, nhưng mới là “chỉ đạo miệng” chứ chưa có văn bản chính thức cho các ngân hàng áp dụng thực hiện. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp tại tòa, các ngân hàng, đặc biệt là các chi nhánh của ngân hàng cổ phần thương mại viện cớ vì chưa được sự chỉ đạo của hội sở ngân hàng chính, đã không điều chỉnh hạ lãi suất xuống mà vẫn tính theo mức lãi suất vào thời điểm DN vay, có thể lên đến 20-22%/năm (thời điểm cao nhất).
Thẩm phán Ngô Thế Quỳnh lý giải về vấn đề này: “Về phía tòa, vì chưa có văn bản chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay nên cũng không thể áp đặt việc tính mức lãi suất mới khi xử lý vụ việc, mà chủ yếu dựa vào sự thỏa thuận của đương sự, nếu ngân hàng đồng ý giảm lãi suất thì tính giảm, còn không thì thôi”.
Cũng theo nhận định của ông Quỳnh, việc chậm có văn bản chính thức về hạ lãi suất cho vay, không những ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp tài sản ở tòa, mà còn gây khó khăn cho DN bởi họ không thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp. Mặt khác, nhiều DN hầu như không còn tài sản thế chấp để tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
|