Những năm qua, nghề nuôi tôm hùm đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn có của ăn của để, xây nhà, mua thêm phương tiện để đánh bắt thủy sản... Tuy nhiên, hơn một năm nay, nghề này gặp nhiều khó khăn đã khiến không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao vì tôm hùm bị dịch bệnh, giá bán thấp.
|
Lồng bè nuôi tôm hùm ở Nhơn Hải (Ảnh: Hoa Khá)
|
Nuôi tôm hùm thịt-cách làm tự phát
Xã Nhơn Hải có 4 thôn, với tổng số 630 hộ dân (1.300 khẩu). Bà con trong xã chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và nuôi trồng gần bờ, đặc biệt là nuôi tôm hùm và ốc hương.
Chủ tịch xã Nhơn Hải, ông Phạm Văn Hùng cho biết: Nghề nuôi tôm hùm giống ở địa phương có từ 20 năm nay, còn nghề nuôi tôm hùm thịt thương phẩm thì mới hình thành vào khoảng năm 2007. Có thể khẳng định Nhơn Hải là vựa tôm hùm của Bình Định vì năng suất, sản lượng cao và điều kiện tự nhiên thuận lợi (nằm trong vịnh kín gió, nước không quá sâu, chỉ khoảng 6-7m).
Riêng với nghề nuôi tôm hùm thịt, ban đầu chỉ có vài hộ thử nuôi sau khi tự học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh phát triển mạnh nghề này như Phú Yên, Khánh Hòa. Dù kết quả vụ nuôi đầu (2007-2008) các hộ nuôi phần lớn thất bại vì thời tiết không thuận lợi nhưng sang các vụ tiếp theo, các ngư hộ nuôi tôm thịt “trúng đậm” nhờ được mùa, được giá. Đỉnh điểm là vụ nuôi 2010-2011, sản lượng thu hoạch đạt cả xã xấp xỉ 3 tấn (tăng gần 1 tấn so với vụ trước), giá trị thương phẩm đạt 4,35 tỷ đồng (tăng 1,8 tỷ đồng so với vụ trước).
Sau vài vụ nuôi thắng lợi, nhiều hộ ngư dân đổ xô nuôi tôm hùm thịt. Nếu như năm 2010, cả xã Nhơn Hải chỉ có 19 hộ nuôi với 14 lồng thì tại thời điểm hiện nay, đã có 165 hộ nuôi tôm hùn thịt (tăng hơn 8 lần) với 97 lồng (tăng gần 7 lần).
Gia đình anh Phan Văn Tĩnh và chị Phạm Thị Phụng (thôn Hải Nam) là hộ tiêu biểu trong phát triển nghề nuôi tôm hùm thịt ở địa phương. Anh chị đã đầu tư ban đầu 800 triệu đồng và nuôi 9 lồng tôm (gần 700 con giống). Anh Tĩnh cho biết, để có số vốn trên anh chị đã phải chạy vạy vay mượn thêm gần 400 triệu đồng. Và không chỉ gia đình anh Tĩnh, nhiều hộ nuôi tôm hùm ở địa phương muốn phát triển nghề đều phải vay mượn.
|
Anh Nguyễn Văn Vương (thôn Hải Đông) đang vệ sinh dụng cụ chuẩn bị cho vụ nuôi mới. (Ảnh: Tố Uyên)
|
Đối mặt với nhiều khó khăn
Thế nhưng, nghề nuôi tôm hùm không hề đơn giản, vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường, nguồn giống, thức ăn cho tôm, đầu ra… Do đó, thời gian gần đây khi thị trường có nhiều biến động thì nghề nuôi tôm hùm cũng chông chênh. Cụ thể, trong một năm trở lại đây, nghề nuôi tôm hùm thịt ở Nhơn Hải rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì những mùa tôm thất bát do dịch bệnh và giá bán quá thấp. Theo thống kê của xã, vụ nuôi 2011-2012 sản lượng tôm hùm nuôi của địa phương sụt giảm 5% sản lượng, nguyên nhân chủ yếu là tôm chết do dịch bệnh.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định cho biết, nguyên nhân dịch bệnh tôm trước hết là do người nuôi thả lượng tôm giống quá dày ở một diện tích mặt nước có hạn (mật độ gần 10 con/ m2 mặt nước, trong khi tiêu chuẩn chỉ 3-4 con/m2).
Bên cạnh đó, dịch bệnh tôm nuôi còn do môi trường nước biển bị ô nhiễm. Thời gian nuôi hùm thịt mất khoảng 18 tháng, tức con tôm phải trải qua mùa đông – mùa biển động, người nuôi không thể lặn xuống bên dưới vệ sinh lồng, thu dọn thức ăn thừa của tôm làm tăng thêm ô nhiễm cho nguồn nước.
Ngoài ra, khi dịch bệnh tôm xảy ra, các hộ nuôi thường tự tìm cách trị bệnh thay vì báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng. Hoặc nếu được cơ quan chức năng hướng dẫn cách chữa bệnh thì họ áp dụng chưa đúng cách nên hiệu quả phòng chữa bệnh cho tôm thấp.
Cùng với dịch bệnh, mưa bão tấn công là thị trường đầu ra cho con tôm hùm cũng lắm gian nan. Hiện tại người nuôi tôm hùm thịt ở Nhơn Hải đều xuất bán sản phẩm sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thông qua thương lái trung gian ở Khánh Hòa. Vì vậy, giá cả đầu ra tôm hùm hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường này và thương lái dễ dàng ép giá với đủ các chiêu trò. Vào thời điểm cuối năm 2011, tôm hùm thịt loại I (ít nhất 1kg/con) sốt giá tới 2,2-2,5 triệu đồng/kg, nhưng đến tháng 2.2012, giá rớt mạnh xuống còn 1,5 triệu đồng/kg và hiện nay chỉ còn 860-900 nghìn đồng/kg.
Anh Phan Văn Lâm, ở thôn Hải Đông có 3 năm kinh nghiệm nuôi tôm hùm giống và tôm hùm thịt, cho biết chưa bao giờ giá tôm hùm thịt rớt thê thảm như năm nay dù chất lượng tôm không thay đổi.
Trong khi giá đầu ra xuống thấp thì chi phí đầu vào lại tăng cao. Giá lồng tôm tăng từ 2-3 triệu lên 6-7 triệu đồng/lồng; giá tôm cá vụn làm thức ăn cho tôm hùm tăng gấp 3 lần (từ 5.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg), giá con giống cũng tăng 15-20%.
Theo Chủ tịch xã Phạm Văn Hùng, do nghịch lý trên nên trong vụ tôm vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm hùm phải chịu lỗ từ 50-400 triệu đồng (tùy theo nuôi nhiều hay ít). Nếu tính cả xã, người nuôi tôm thua lỗ khoảng 3 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Vương (thôn Hải Đông) tâm sự: “Gia đình bắt đầu nuôi tôm hùm thịt năm 2011 với 10 lồng (trên 1.000 con giống). Mới đây kết thúc vụ nuôi (18 tháng) tính ra bị lỗ đậm (300 triệu đồng)”. Điều đáng nói là dù biết giá đầu ra tôm hùm thấp nhưng các hộ nuôi phải chấp nhận bán vì không kham nổi chi phí nuôi thêm do vốn ít và để có tiền lo vụ mới.
Không chỉ người nuôi tôm hùm thịt thua lỗ mà người nuôi tôm hùm giống ở Nhơn Hải cũng gặp khó khăn không kém. Dù vụ thu hoạch tôm giống kết thúc cách đây cả tháng nhưng khi gặp chúng tôi, trên gương mặt chị Nguyễn Thị Liên (thôn Hải Nam) vẫn còn đượm nét buồn. Chị cho biết: “Gia đình tôi nuôi 3.000 con tôm ủ (tôm giống). Mọi năm, vụ nào cũng kiếm được khoảng 50 triệu đồng nhưng vụ rồi lỗ cả trăm triệu đồng. Tôm mua vào đã 250.000 đồng/con, nuôi 3 tháng, bán ra chỉ có 150.000 đồng/con.”
Chị Liên giải thích giá tôm giống phụ thuộc giá tôm thịt. Năm nay, giá tôm hùm thịt giảm mạnh nên giá tôm giống cũng giảm theo.
|
Bán tôm cho tư thương trung gian từ Khánh Hòa ra. (Ảnh: Ngọc Nhuận)
|
Cần một hướng đi bền vững
Trước tình hình nghề nuôi tôm hùm gặp lao đao, đời sống nhiều hộ nuôi tôm lâm vào khó khăn, chính quyền xã Nhơn Hải đã có một số biện pháp tình thế hỗ trợ người nuôi tôm như cho gạo và miễn thuế mặt nước (200.000 đồng/lồng) cho những hộ bị thua lỗ, phân chia diện tích mặt nước được phép nuôi trồng thủy sản cho các hộ, điều tiết thời gian nuôi tôm hùm - ốc hương để tránh xung đột lợi ích giữa hai nhóm nuôi trồng này…
Nói về hướng đi cho con tôm hùm ở Nhơn Hải, ông Võ Đình Tâm cho biết thêm: “Trước mắt, chi cục đang phối hợp với chính quyền TP Quy Nhơn tổ chức đánh mã số và định vị từng lồng nuôi tôm hùm để tiện theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn, đưa hoạt động nuôi tôm hùm vào qui củ. Chi cục cũng có kế hoạch từ đây đến cuối năm 2012, phối hợp với chính quyền xã Nhơn Hải thành lập các nhóm cộng đồng tương trợ lẫn nhau giữa những người nuôi tôm hùm trên cơ sở tự giác, tình nguyện. Sau đó, chi cục sẽ tăng cường tập huấn cho các nhóm về nuôi tôm bền vững, đảm bảo hài hòa 3 yếu tố phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và sự đồng thuận của người dân”.
Về lâu dài, chi cục đang xin tỉnh cấp kinh phí làm đề án quy hoạch nuôi trồng thủy sản bền vững. Dự kiến, trong năm 2012 sẽ hoàn thành đề cương và đến năm 2013 sẽ có quy hoạch chi tiết.
Có thể nói, để nghề nuôi tôm hùm ở Nhơn Hải phát triển bền vững, đem lại nguồn lợi cho người dân vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, ngoài việc quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tôm, phòng trừ dịch bệnh, Nhà nước cần hỗ trợ cho ngư dân về vốn vay và đặc biệt là định hướng, tạo các điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm.
Giá tôm hùm hiện chưa có dấu hiệu tăng trở lại nhưng các hộ nuôi tôm ở Nhơn Hải vẫn phải chuẩn bị cho vụ nuôi mới, vì họ đã dồn toàn bộ vốn liếng vào đó và trông chờ vận may...
|