Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) cho ngành Điện quản lý là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng sử dụng điện ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác bàn giao và tiếp nhận LĐHANT ở tỉnh ta diễn ra còn chậm và gặp nhiều trở ngại.
Bài 1: Công tác giao - nhận chậm trễ, kéo dài
Chủ trương bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý được đại đa số người sử dụng điện ở khu vực nông thôn đồng tình. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, công tác bàn giao và tiếp nhận LĐHANT ở tỉnh ta vẫn chưa hoàn thành.
|
Nhân viên ĐLBĐ sửa chữa trạm biến áp tại xã Phước Lộc - Tuy Phước. |
Chủ trương đúng đắn
Trước đây, khu vực nông thôn của tỉnh ta tồn tại 2 hình thức quản lý, vận hành lưới điện là ngành Điện trực tiếp bán lẻ đến hộ tiêu dùng; ngành Điện bán qua công tơ tổng, người tiêu dùng mua qua trung gian từ các tổ chức quản lý điện nông thôn (các HTX dịch vụ điện năng, HTXNN có làm dịch vụ điện và các công ty có kinh doanh dịch vụ điện...). Đối với những nơi được mua điện trực tiếp từ ngành Điện, chất lượng điện tương đối ổn định, giá bán điện theo giá bậc thang như đúng quy định của Nhà nước. Riêng những nơi ngành Điện bán qua công tơ tổng, người sử dụng điện mua qua trung gian, chất lượng nguồn điện không đảm bảo, giá bán điện lại khá cao so với mua trực tiếp từ ngành Điện.
Nguyên nhân giá điện nông thôn ở những nơi phải mua qua các tổ chức quản lý điện nông thôn tăng cao và chất lượng điện không ổn định là do hệ thống lưới điện ở những khu vực này đã đầu tư xây dựng khá lâu, việc quản lý, bảo dưỡng không tốt, gây tổn thất điện năng lớn. Bên cạnh đó, do các tổ chức quản lý điện nông thôn không chủ động được nguồn vốn đầu tư nên hệ thống lưới điện ở đây chỉ được xây dựng chắp vá, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Quá trình vận hành thời gian dài, lại không được đầu tư sửa chữa, cải tạo nên hệ thống điện ngày càng xuống cấp, tổn thất điện năng lớn...
Mong muốn của đại đa số người dân là được mua điện trực tiếp từ ngành Điện để được hưởng đầy đủ các quyền lợi như các hộ sử dụng điện ở khu vực đô thị. |
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các ngành chức năng tiến hành khảo sát tình hình để xây dựng quy chế quản lý LĐHANT, giao cho ngành Điện tiến hành tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp, quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ dân ở vùng nông thôn.
Thực hiện chủ trương này, ngày 20.5.2008, Tổng Công ty Điện lực 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã có công văn số 2468/CV-ĐL gửi UBND tỉnh Bình Định về việc triển khai công tác bàn giao và tiếp nhận LĐHANT trên địa bàn tỉnh Bình Định. Để triển khai chủ trương trên, ngày 13.6.2008, UBND tỉnh đã có công văn số 1902/UBND-CN gửi Sở Công Thương, Công ty Điện lực Bình Định (ĐLBĐ), UBND các huyện, thành phố về việc hướng dẫn các chủ tài sản LĐHANT hiện đang kinh doanh bán lẻ trên địa bàn tỉnh bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý sử dụng và bán lẻ trực tiếp đến hộ tiêu thụ điện.
Ông Trương Đình Hy, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: Đại đa số người sử dụng điện ở khu vực nông thôn đều đồng tình với chủ trương của Chính phủ. Bởi lẽ, mô hình quản lý điện có tính chất trung gian hiện nay không còn phù hợp nữa, khi mà hầu hết các tổ chức quản lý điện nông thôn chỉ tập trung vào khoản thu chênh lệch giữa giá mua của ngành Điện với giá bán đến hộ sử dụng điện mà không có điều kiện, khả năng nâng cấp, đầu tư lại cho hệ thống lưới điện. Mong muốn của đại đa số người dân là được mua điện trực tiếp từ ngành Điện để được hưởng đầy đủ các quyền lợi như các hộ sử dụng điện ở khu vực đô thị.
|
Lưới điện nông thôn chưa được cải tạo. |
Giao “dây dưa”, tiếp nhận trễ
Việc bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý là phù hợp với xu thế và mong muốn của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác giao - nhận LĐHANT ở tỉnh ta diễn ra khá chậm chạp và chậm trễ so với yêu cầu đặt ra.
Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 14.4.2009 của UBND tỉnh về việc sắp xếp, hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh điện khu vực nông thôn và bàn giao LĐHANT trên địa bàn tỉnh cho ngành Điện, nêu rõ: Đối với những đơn vị có nhu cầu chuyển giao LĐHANT và kinh doanh điện kém hiệu quả, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định thì sớm có phương án bàn giao cho ĐLBĐ quản lý. Việc chuyển giao được thực hiện theo phương pháp thí điểm, trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận giữa các bên. Thời gian chuyển giao thí điểm kết thúc trước 31.8.2009. Thời gian chuyển giao đại trà bắt đầu từ 1.9.2009 đến 30.6.2010.
Kế hoạch là vậy, song đến nay công tác giao - nhận LĐHANT trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa hoàn thành. Theo thống kê của Công ty ĐLBĐ, trên địa bàn tỉnh có 128 xã phải mua điện qua các đơn vị làm dịch vụ trung gian, với 150 tổ chức quản lý điện nông thôn. Trong đó, có 104 HTXNN có làm dịch vụ điện, 40 HTX chuyên kinh doanh dịch vụ điện, 3 công ty TNHH một thành viên và 1 công ty cổ phần có kinh doanh dịch vụ điện. Đến nay, Công ty ĐLBĐ chỉ mới tiếp nhận được 91 tổ chức quản lý điện nông thôn (trong đó có 16 tổ chức tham gia dự án REII - sẽ tiến hành các thủ tục xác định tài sản bàn giao sau khi dự án triển khai xong); mới có 71/75 tổ chức thống nhất giá trị còn lại của tài sản bàn giao, trong đó có 23/71 tổ chức đã gửi toàn bộ hồ sơ giao nhận về Sở Tài chính để các cơ quan quản lý nhà nước xem xét trình UBND tỉnh quyết định hoàn trả vốn.
Việc bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý ở tỉnh ta diễn ra chậm vì nhiều lý do. Trước hết là có địa phương không muốn bàn giao lưới điện do những tổ chức làm dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh điện bị mất quyền lợi về lợi nhuận từ chênh lệch giá. Bên cạnh đó, giữa các cơ quan chức năng, ngành Điện và các tổ chức quản lý điện nông thôn chưa thống nhất trong việc thực hiện quy trình xác định giá trị tài sản bàn giao theo quy định và không có cam kết thời gian thanh toán vốn, tài sản lưới điện sau khi bàn giao…
Bài 2: Cần hài hòa lợi ích |