Hiện nay, các ngành chức năng đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bàn giao và tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) trên địa bàn tỉnh. Để công tác giao - nhận LĐHANT được sự ủng hộ và nhất trí cao, các bên liên quan cần điều chỉnh sao cho hài hòa lợi ích lẫn nhau.
|
Nhân viên Điện lực Bình Định sửa chữa lưới điện nông thôn.
|
Mỗi bên một lý lẽ
Trong quá trình bàn giao LĐHANT ở tỉnh ta, trình tự, thủ tục bàn giao giữa Công ty Điện lực Bình Định (ĐLBĐ) với mỗi tổ chức quản lý điện nông thôn, mỗi địa phương có khác nhau, nhưng đa phần là bàn giao bằng hình thức hai bên giao nhận hiện trạng, chiều dài đường dây, số công tơ điện, chốt chỉ số điện, thời điểm bàn giao… và chưa đề cập đến việc hoàn trả vốn của các tổ chức đã đầu tư vào công trình điện.
Các tổ chức quản lý điện nông thôn cho rằng ngành Điện đang chiếm dụng vốn của họ, vì sau khi nhận bàn giao, ngành Điện không thanh toán giá trị còn lại, trong khi vẫn tiếp tục kinh doanh khai thác trên hệ thống điện mà lâu nay tổ chức quản lý điện nông thôn đã đầu tư. Nếu có lưới điện như thế thì bản thân họ kinh doanh cũng được chứ không nhất thiết phải bàn giao cho ngành Điện.
Ông Đặng Phước - Chủ nhiệm HTXNN Đệ Đức (Hoài Nhơn), có làm dịch vụ điện - cho biết: Việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý và khai thác được HTX thống nhất. Tuy nhiên, sau khi HTX đã bàn giao lưới điện, ngành Điện không thanh toán giá trị tài sản lưới điện mà HTX và các hộ dân đã đầu tư, và xác định giá trị còn lại quá thấp. Đã vậy, sau khi bàn giao, ngành Điện không đầu tư gì thêm mà tiếp tục khai thác kinh doanh trên hệ thống điện do HTX đầu tư trước đây. Việc chậm hoàn trả vốn và xác định tài sản còn lại thấp đã gây khó khăn cho hoạt động của HTX do giảm doanh thu, lại chưa thu hồi được vốn bỏ ra đầu tư xây dựng lưới điện. Điều này đã gây bất bình, nghi ngờ trong xã viên.
Ông Hoàng Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, phản ánh: Chẳng những ngành Điện chậm trễ trong việc hoàn trả lại vốn cho các tổ chức quản lý điện nông thôn, mà mỗi khi trạm biến áp hay đường dây gặp sự cố thiệt hại về vật chất, ngành Điện cũng chưa có giải pháp để khắc phục một cách kịp thời.
Trong khi đó, ông Thái Minh Châu, Phó Giám đốc Công ty ĐLBĐ, cho rằng: Nguyên nhân ngành Điện chậm trả tiền cho các tổ chức quản lý điện nông thôn là vì các đơn vị này không bàn giao đầy đủ hồ sơ theo quy định, như: hồ sơ quyết toán và phân tích nguồn vốn đầu tư công trình. Bên cạnh đó, lưới điện không đồng nhất trên cùng một tuyến và nhiều chủng loại dây... nên việc kiểm kê, xác định nguồn vốn hoàn trả, thỏa thuận tỉ lệ khấu hao còn lại của lưới điện gặp nhiều khó khăn. Do các tổ chức quản lý điện nông thôn chưa xác định được giá trị tài sản còn lại nên ngành Điện chưa thể trả tiền. Việc hoàn trả nhanh hay chậm là phụ thuộc vào nhiều bộ phận chứ một mình Công ty ĐLBĐ không quyết định được.
Cần hài hòa lợi ích
Trước tình hình này, ngày 7.8 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc về hoàn trả giá trị còn lại của LĐHANT trên địa bàn tỉnh. Cuộc họp do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo 11 huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Công ty ĐLBĐ và các tổ chức bán điện trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định: Chủ trương bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý đã được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện không còn là chuyện riêng của ngành Điện hay của tổ chức quản lý bán điện nào, mà là mối quan tâm chung của xã hội, liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân. Đây là cơ hội để người dân nông thôn được hưởng chính sách giá điện hợp lý, chất lượng điện được bảo đảm, việc sử dụng điện an toàn, ổn định. Vì vậy, các ngành chức năng cũng như các đơn vị có liên quan cần khắc phục hạn chế, bất cập để hoàn thành công việc này đúng thời gian quy định. Giữa các đơn vị có liên quan cần phải giải quyết như thế nào để hài hòa lợi ích lẫn nhau.
Để giải quyết những vướng mắc trong việc giao- nhận LĐHANT trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đề xuất: Theo hướng dẫn của liên Bộ Công Thương - Tài chính về giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư LĐHANT, yêu cầu phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục gốc về đầu tư công trình điện. Thực tế, phần lớn tổ chức quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đều không có đầy đủ hồ sơ gốc, do LĐHANT chủ yếu là người dân tự đầu tư xây dựng, không có thiết kế, không có hồ sơ hoàn công…, nên việc xác định nguồn gốc tài sản, giá trị tài sản rất khó khăn. Do vậy, các bên liên quan và các ngành chức năng cần thống nhất phương án áp dụng và căn cứ vào hiện trạng khối lượng tài sản bàn giao để đánh giá thực tế của tài sản và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc hoàn trả vốn đầu tư cho người dân.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo: Đối với các đơn vị không đủ hồ sơ chứng từ, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị phối hợp với Công ty ĐLBĐ sớm hình thành hồ sơ theo quy định. Hội đồng thẩm định giá tài sản LĐHANT sẽ chủ trì họp quyết định hoàn trả vốn. Thời gian hoàn trả vốn cho các tổ chức quản lý điện nông thôn phải tiến hành nhanh, từ nay đến hết tháng 10.2012, phải hoàn thành các thủ tục bàn giao và tiếp nhận LĐHANT, sau đó Công ty ĐLBĐ phải bố trí vốn để hoàn trả. Nếu Công ty ĐLBĐ không hoàn trả vốn theo đúng thời gian quy định thì sẽ phải trả lãi phát sinh cho các tổ chức quản lý điện nông thôn hoặc UBND tỉnh sẽ điều chỉnh lại giá cho phù hợp.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty ĐLBĐ duy trì lưới điện cấp điện cho dân, đồng thời sớm đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng lưới điện thay thế nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
|