Phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ ở Tây Sơn:
Tăng năng lực, thêm hiệu quả
20:22', 10/8/ 2012 (GMT+7)

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng sản xuất công nghiệp (SXCN) - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở Tây Sơn vẫn ổn định. Giá trị SXCN-TTCN bình quân hàng năm tăng 15-16%; tỉ trọng giá trị SXCN chiếm 32,5% trong cơ cấu nền kinh tế. Huyện Tây Sơn đang tập trung phát triển CN, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân…

Trên địa bàn Tây Sơn hiện có 243 đơn vị sản xuất, trong đó có 136 doanh nghiệp, 107 hộ cá thể, thu hút 2.730 lao động. Nhìn chung những năm qua SXCN-TTCN ở Tây Sơn tăng trưởng khá, chủ yếu là công nghiệp mía đường và sản xuất gạch ngói. Riêng 6 tháng đầu năm nay giá trị SXCN-TTCN toàn huyện ước đạt trên 364 tỉ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ, đạt trên 60% kế hoạch năm. Trong đó SXCN đạt trên 226 tỉ đồng, tăng 4,1% (riêng công nghiệp mía đường đạt trên 171 tỉ đồng), TTCN đạt trên 87,5 tỉ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ.

 

Nhà máy may Tây Sơn đã xây dựng hoàn thành, bước đầu đi vào hoạt động.  Ảnh: HOÀNG CHI

Có thể thấy rằng, công nghiệp mía đường và sản xuất gạch ngói là 2 ngành sản xuất chủ lực ở Tây Sơn, tuy nhiên 2 ngành sản xuất này còn thiếu bền vững. Sản xuất mía đường phụ thuộc vào yếu tố thị trường nên có năm đạt giá trị khá, có năm giảm sút. Sản xuất gạch ngói vốn là nghề truyền thống ở Tây Sơn, nhưng thời gian gần đây đã bắt đầu suy giảm do nguồn nguyên liệu, chất đốt cạn kiệt; đặc biệt đến giữa năm 2014 phải thực hiện chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị 04 của UBND tỉnh về việc xóa bỏ lò gạch nung thủ công, chắc chắn SXCN-TTCN ở Tây Sơn không tránh khỏi khó khăn.

Dự lường trước tình hình này, huyện Tây Sơn đã tích cực kêu gọi đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về địa phương đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động. Trong số đó có công trình Nhà máy may công nghiệp Tây Sơn của Tổng Công ty Nhà Bè, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sau khi đi vào hoạt động ổn định sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ.

Theo ông Bùi Văn Nhạ, Tổng Giám đốc Nhà máy may Tây Sơn, sau gần 10 tháng thi công xây dựng giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư hơn 76 tỉ đồng, đến nay nhà máy đã cơ bản hoàn thành. Việc lắp đặt máy móc thiết bị giai đoạn 1 (một chuyền áo veston nam và quần); lắp đặt các thiết bị phụ trợ khác như lò hơi, máy hút chân không, máy nén khí và trang thiết bị nhà ăn công nhân; chuẩn bị vật tư phục vụ sản xuất… tất cả đều hoàn tất. Tổng giá trị máy móc thiết bị nhập khẩu trong giai đoạn 1 khoảng 1,2 triệu USD, chưa kể các máy móc, thiết bị sản xuất trong nước cũng có giá trị khá lớn.

Về hoạt động sản xuất trong giai đoạn đầu, ông Bùi Văn Nhạ cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã chuẩn bị 2 mã hàng, rút về nhà máy 50 công nhân đang gửi đào tạo tại các nơi và 50 công nhân đang gởi học việc tại An Nhơn, đến cuối tháng 8 này đưa toàn bộ 300 lao động tại Phù Cát về để đi vào sản xuất thử, tạo điều kiện cho lực lượng công nhân tập dượt trước”.

Với sự ra đời và đi vào hoạt động của Nhà máy may Tây Sơn, người lao động ở địa phương sẽ có cơ hội tốt về việc làm và không phải xa quê, nhất là khi nghề sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn phải chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ lò gạch nung thủ công.

Đồng hành với công trình nhà máy may, sau gần 5 tháng khởi công xây dựng, đến nay, siêu thị Vinatex Tây Sơn (tọa lạc tại khu dân cư ngã ba đường Nguyễn Huệ-QL 19, thị trấn Phú Phong, do Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư xây dựng) cũng đã cơ bản đã hoàn thành trên 70%. Siêu thị được xây dựng 3 tầng với diện tích 6.725 m², tổng vốn đầu tư 58 tỉ đồng; dự kiến khánh thành, đi vào hoạt động từ giữa tháng 9.2012, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Ngay tại bến xe Tây Sơn (cũ), công trình Trung tâm thương mại Tây Sơn cũng đang được khẩn trương xây dựng, tổng vốn đầu tư 37 tỉ đồng, quy mô xây dựng hơn 3.200m2, bao gồm khu bán lẻ tổng hợp, văn phòng cho thuê, nhà hàng ăn uống, giải khát và các dịch vụ vui chơi giải trí…, dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2013.

Những công trình nói trên không những tạo bước phát triển mới về SXCN và thương mại, dịch vụ ở Tây Sơn, mà còn là điều kiện quan trọng để sớm đưa thị trấn Phú Phong trở thành đô thị loại IV trước năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XIX đã đề ra.

  • HOÀNG CHI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Niềm vui từ những ngôi làng mới  (10/08/2012)
Rời biển lên bờ, vào nhà máy  (10/08/2012)
Chuẩn bị hỗ trợ cho ngư dân Bình Định  (10/08/2012)
Bài 2: Cần hài hòa lợi ích  (09/08/2012)
Chưa có kết luận cụ thể  (09/08/2012)
Nhiều phiên chợ hàng Việt về miền núi  (09/08/2012)
Tạm giữ hơn 1,8m3 gỗ cà te  (09/08/2012)
Thẻ nhớ - Dễ mua, khó chọn  (08/08/2012)
Vì sao trở ngại, giải quyết thế nào?  (08/08/2012)
Đã có quy trình nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương và hàu muỗng  (08/08/2012)
32 xã, phường ven biển đăng ký tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (09/08/2012)
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc tiếp Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nhật  (08/08/2012)
Lúa lai CT 16 trổ bông nhiều tầng  (08/08/2012)
Nông dân “ăn nên làm ra”  (07/08/2012)
Nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm  (07/08/2012)