DN phải thi hành án trả nợ ngân hàng:
“Vỏ” còn, “ruột” rỗng
22:41', 11/8/ 2012 (GMT+7)
Doanh nghiệp (DN) không thanh toán được nợ ngân hàng, bị kiện ra tòa. Tuy nhiên, việc thi hành án (THA) trả nợ cho chủ nợ theo phán quyết của tòa án cũng gặp khó khăn khi nhiều DN lâm vào tình trạng “vỏ còn ruột rỗng”…

Nợ nhiều nhưng không THA được

Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, từ năm 2011 đến nay có 24 DN nợ ngân hàng phải THA với tổng số tiền phải thu là 460 tỉ đồng. Trong đó, một số DN có nghĩa vụ phải THA từ trên 10 tỉ đồng đến 60 tỉ đồng.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hay, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, qua xác minh, kê biên tài sản thì nhiều DN ở trong tình trạng “vỏ” còn, “ruột” rỗng, tài sản thế chấp có giá trị thấp hơn nhiều so với khoản vay ngân hàng. Ông Hay giải thích: “Khi DN làm ăn có lãi, ổn định, ngoài khoản cho vay theo tài sản thế chấp, tùy từng trường hợp cụ thể, ngân hàng có thể cho DN vay thêm một phần theo kiểu tín chấp. Nhưng khi kinh tế lâm vào khủng hoảng, sản xuất đình trệ thì giá trị tài sản của DN như máy móc, nhà xưởng khó mà giữ nguyên được như trước”.

 

Tranh minh họa

Đơn cử trường hợp Công ty cổ phần chế tạo cơ khí V. (Quy Nhơn) nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi 14 tỉ đồng, nhưng qua kê biên tài sản để đảm bảo THA, ước tính tổng giá trị tài sản của Công ty bao gồm: nhà xưởng, máy móc, mặt bằng thuê đất… chỉ khoảng 8 tỉ đồng. Hay như Công ty liên doanh V-H (thị xã An Nhơn), tổng các khoản nợ cả gốc lẫn lãi từ 2005 đến nay đã lên khoảng 60 tỉ đồng. Tuy chưa kê biên, định giá chính thức tài sản của DN, nhưng ước tổng giá trị tài sản để THA cũng chỉ bằng khoảng 1/3 số nợ.

Tài sản của DN ngày một xuống giá, và do tình hình kinh tế hiện đang khó khăn nên việc đưa ra bán đấu giá để THA cũng chẳng suôn sẻ gì. Theo quy định, nếu tài sản đưa ra bán đấu giá mà không bán được thì phải tiếp tục giảm giá nhiều lần (mỗi lần hạ giá không quá 10%/giá trị tài sản) cho đến lúc bán được mới thôi; và kèm theo đó là chi phí thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mức hạ thấp nhất của tài sản bị THA là ngang với chi phí cưỡng chế. Bởi vậy, giá trị tài sản của người phải THA sẽ ngày một giảm dần. Hiện, một số trường hợp đã hạ giá đến 5-7 lần mà vẫn không có người mua. Có tài sản đưa ra bán 2-3 năm vẫn chưa bán được.

Chính vì vậy, trong tổng số tiền 460 tỉ đồng phải thu, cho đến nay, Cục THADS tỉnh chỉ mới thu được rất ít từ một trường hợp là Công ty TNHH phát triển công nghệ và thương mại N.N (Phù Mỹ). Công ty nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi khoảng 220 triệu đồng, nhưng khi đưa ra bán đấu giá tài sản chỉ được 59 triệu đồng. Trừ mọi chi phí THA, bên được THA nhận 46 triệu đồng.

DN yêu cầu chậm kê biên để chờ hỗ trợ

Mối quan hệ DN - ngân hàng lâu nay vẫn là đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, khi lợi ích kinh tế của ngân hàng bị đe dọa vì DN mất khả năng thanh toán nợ thì ngân hàng khởi kiện DN ra tòa nhằm bảo toàn nguồn vốn của mình là chuyện đương nhiên.

Tuy vậy, với tư cách là đại diện của cơ quan THADS tỉnh, ông Hay cũng khá băn khoăn: “Đã khởi kiện đến tòa thì tòa phải thụ lý, giải quyết. Án đã có hiệu lực thì phải THA, phải kê biên tài sản, đưa ra đấu giá máy móc, nhà xưởng của DN để trả cho bên được THA. Điều đó cũng có nghĩa là DN dừng sản xuất, phá sản. Trong thực tế, một số DN đã yêu cầu chậm kê biên tài sản để chờ chủ trương hỗ trợ của Chính phủ với hy vọng có thể được “cứu”. Hiện nay, một số DN vẫn sản xuất cầm chừng, tồn tại được. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần chế tạo cơ khí V. (Quy Nhơn), tuy phải THA khoản nợ 14 tỉ đồng, nhưng vẫn còn tồn nhiều hàng chưa xuất bán được, vẫn đang liên tục sản xuất”.

Về vấn đề này, bà Trần Thu Hường, Giám đốc Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Bình Định, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đến nay ngân hàng chúng tôi đã giảm lãi khoảng 140 tỉ đồng cho DN, nhưng tập trung giảm lãi ở các khoản vay ngắn hạn. Sắp tới, chúng tôi sẽ giảm lãi cho các khoản vay trung và dài hạn, ưu tiên cho những DN hoạt động kinh doanh tốt và vay trong thời điểm lãi suất cao”.

  • NGUYỄN SƠN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dịch bệnh tôm nuôi diễn biến phức tạp  (11/08/2012)
1.372 lượt khách hàng được ngân hàng gia hạn nợ gốc, lãi vay  (11/08/2012)
“Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng phải chú trọng đến chất lượng tín dụng”  (10/08/2012)
Giảm nhẹ phiên cuối tuần do áp lực chốt lời   (10/08/2012)
Tăng năng lực, thêm hiệu quả  (10/08/2012)
Niềm vui từ những ngôi làng mới  (10/08/2012)
Rời biển lên bờ, vào nhà máy  (10/08/2012)
Chuẩn bị hỗ trợ cho ngư dân Bình Định  (10/08/2012)
Bài 2: Cần hài hòa lợi ích  (09/08/2012)
Chưa có kết luận cụ thể  (09/08/2012)
Nhiều phiên chợ hàng Việt về miền núi  (09/08/2012)
Tạm giữ hơn 1,8m3 gỗ cà te  (09/08/2012)
Thẻ nhớ - Dễ mua, khó chọn  (08/08/2012)
Vì sao trở ngại, giải quyết thế nào?  (08/08/2012)
Đã có quy trình nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương và hàu muỗng  (08/08/2012)