Cần tuân thủ chặt chẽ các quy định nuôi tôm
19:31', 13/8/ 2012 (GMT+7)

Thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của nông dân. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

* Xin ông cho biết tình hình nuôi tôm ở tỉnh ta hiện nay?

- Hiện nay tỉnh ta có 467/2.043 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh và thâm canh, diện tích còn lại nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến. Do tình hình “xé rào” lịch thời vụ diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương nên dịch bệnh tôm nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và thu nhập của nông dân. Cụ thể là vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm, toàn tỉnh có 62,2 ha nuôi tôm thả trước lịch thời vụ; 148 ha nuôi tôm ở Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ... bị nhiễm dịch bệnh thân đỏ đốm trắng chết hàng loạt. Đến nay, nông dân các địa phương đã thu hoạch xong diện tích tôm nuôi vụ 1, đạt 3.572 tấn, bằng 96% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm vụ 1 thấp, đầu ra sản phẩm không cao, nên người nuôi tôm không vui.

 

Tôm nuôi bị dịch bệnh, một số hộ dân ở xã Phước Thắng (Tuy Phước) phải thu hoạch sớm.

Vụ nuôi tôm thứ 2 cũng đã được thả nuôi từ ngày 15.6, đến nay có 366 ha mặt nước được sử dụng để nuôi tôm. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 9, sẽ có khoảng 100 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng tiếp tục được thả nuôi tại các vùng nuôi tôm trên cát ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn. Vụ  sản xuất này đáng lo ngại hơn bởi dịch bệnh bùng phát và gây hại tôm nuôi ngay từ đầu vụ, trong đó có 6,1 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh thân đỏ đốm trắng và bệnh môi trường chết hàng loạt. Ngoài ra, hiện tượng tôm chết sớm rải rác trong ao nuôi, với tỉ lệ tôm chết từ 10-40%, nhưng chưa xác định được nguyên nhân, xảy ra phổ biến ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, khiến cho người nuôi tôm lo lắng.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp như vậy?

- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh tôm nuôi, xem công tác phòng chống dịch bệnh là biện pháp quan trọng để mang lại những vụ nuôi tôm thắng lợi. Qua mỗi mùa vụ nuôi tôm, ngành đã tổ chức sơ kết, đánh giá các nguyên nhân tồn tại trong việc chỉ đạo công tác nuôi tôm và đề ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi có hiệu quả. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh còn thấp kém, nhiều nơi sử dụng chung kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm. Mặt khác, năm qua ít xảy ra mưa lũ lớn nên các loại vi rút có hại tồn tại trong môi trường nước đã gặp điều kiện thuận lợi để phát sinh, phát triển.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là nhiều người nuôi tôm trong tỉnh vẫn chưa thật sự ý thức cao trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm lịch thời vụ nuôi tôm; công tác cải tạo ao hồ trước khi thả nuôi chưa được chú trọng đúng mức, thiếu quan tâm đến việc kiểm soát tôm giống trước khi thả tôm; mật độ thả giống quá dày, cho tôm ăn thức ăn quá nhiều, làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh tôm nuôi.

Về phía cơ quan chuyên môn, tuy đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp nuôi tôm cho người dân nhưng chế tài xử phạt với những hộ cố tình không tuân thủ các quy định về nuôi tôm còn dễ dãi; công tác quản lý, kiểm dịch nguồn tôm giống trước khi thả nuôi chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, làm cho dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát…

* Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh tôm gây ra, nhất là vụ nuôi tôm thứ 2 năm 2012, Chi cục có khuyến cáo gì với người nuôi tôm, thưa ông?

- Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất dịch bệnh tôm nuôi, Chi cục khuyến cáo bà con nuôi tôm nên cải tạo ao nuôi chu đáo, đúng quy trình; thả tôm nuôi với mật độ từ 80-120 con/m2 đối với nuôi tôm trên cát, vùng đầm, đìa thả tôm nuôi với mật độ từ 60-80 con/m2 là phù hợp. Trước khi thả tôm nuôi phải theo dõi quan trắc môi trường đã được Chi cục thông báo để biết được thời điểm nào lấy nước vào để thả tôm nuôi là thích hợp nhất. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi, để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời. Bà con nuôi tôm nên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn, nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Đồng thời, cho tôm nuôi ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.

Người nuôi tôm cũng cần thường xuyên kiểm tra sự xuất hiện của các đối tượng như cua, còng trong khu vực ao nuôi, nếu phát hiện thì phải loại bỏ ngay bằng cách thu gom và xử lý ở cách xa ao nuôi, ao lắng và kênh cấp nước. Bên cạnh đó, cần xua đuổi, canh giữ chim, cò ăn tôm; thường xuyên liên lạc và nắm bắt các thông tin diễn biến về dịch bệnh; quan trắc cảnh báo môi trường trong khu vực để có biện pháp phòng ngừa thích hợp như thay nước, tăng tần suất kiểm tra tôm nuôi.

Bà con nuôi tôm tuyệt đối không lấy nước không đảm bảo các yếu tố về môi trường, nguồn nước bị nhiễm dịch bệnh vào ao nuôi tôm. Những ao nuôi khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường như tôm ăn nhiều hơn một cách bất thường hoặc giảm ăn, có đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, đen mang, bơi lờ đờ, không định hướng… cần báo ngay với cán bộ khuyến ngư, thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời.

* Xin cảm ơn ông!

  • PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều khu vực rừng đang ở cấp dự báo cháy rừng nguy hiểm  (13/08/2012)
Tây Sơn: Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà, cá cho nông dân  (13/08/2012)
Ngư dân trúng mùa cá lồ ồ, cá cơm  (13/08/2012)
Tạo thêm một tuyến giao thông mới  (12/08/2012)
Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản  (12/08/2012)
Nhân rộng mô hình cánh đồng cho thu nhập cao  (12/08/2012)
“Vỏ” còn, “ruột” rỗng  (11/08/2012)
Dịch bệnh tôm nuôi diễn biến phức tạp  (11/08/2012)
1.372 lượt khách hàng được ngân hàng gia hạn nợ gốc, lãi vay  (11/08/2012)
“Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng phải chú trọng đến chất lượng tín dụng”  (10/08/2012)
Giảm nhẹ phiên cuối tuần do áp lực chốt lời   (10/08/2012)
Tăng năng lực, thêm hiệu quả  (10/08/2012)
Niềm vui từ những ngôi làng mới  (10/08/2012)
Rời biển lên bờ, vào nhà máy  (10/08/2012)
Chuẩn bị hỗ trợ cho ngư dân Bình Định  (10/08/2012)