Các chỉ số chứng khoán đóng cửa trái chiều sau phiên giao dịch đầu tuần hôm qua (13.8), với chỉ số VN-Index tăng nhẹ, trong khi HNX-Index mất điểm phiên thứ 2 liên tiếp. Giao dịch thận trọng cũng khiến thanh khoản trên cả 2 sàn suy giảm mạnh.
Giao dịch ảm đạm, thanh khoản sụt giảm mạnh trên cả 2 sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM là nét nổi bật của phiên 13.8.
Chốt giao dịch đợt 1, VN30-Index giảm 0,77 điểm, còn 505,83 điểm, giảm tương đương 0,15%. VN-Index giảm 1,77 điểm, còn 423,79 điểm, giảm tương đương 0,42%. Khối lượng giao dịch toàn sàn đạt khoảng 1,051 triệu đơn vị, trị giá khoảng 14,19 tỉ đồng. Chốt giao dịch phiên tiếp theo, VN30-Index đảo chiều tăng 1,23 điểm, so với điểm mở cửa, đạt 507,83 điểm, tăng tương đương 0,24%. VN-Index cũng quay đầu tăng 0,14 điểm, so với điểm tham chiếu, đạt 425,7 điểm, tăng tương đương 0,03%. Khối lượng giao dịch hết phiên 2 đạt khoảng 23,677 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tương ứng đạt trên 343,43 tỉ đồng.
Khép lại phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 1,56 điểm tương đương 0,37%, còn 424 điểm, cùng khoảng 18,36 triệu đơn vị chứng khoán được giao dịch tương ứng với giá trị giao dịch đạt trên 253,27 tỉ đồng. HNX-Index của sàn Hà Nội cũng đang giảm 0,56 điểm, tương đương 0,8%, còn 69,78 điểm, cùng khoảng gần 20 triệu đơn vị chứng khoán giao dịch thành công trị giá trên 206 tỉ đồng.
Chung cuộc phiên đầu tuần, toàn sàn TPHCM chỉ có 72 mã tăng giá, 143 mã giảm giá và 94 mã chốt ở mức tham chiếu. Tuy nhiên, VN-Index vẫn nhích lên 0,61 điểm, tương đương 0,14%, so với cuối tuần trước lên mức 426,17. Thanh khoản giảm khá mạnh so với mức trung bình của tuần trước, chỉ đạt 29,8 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 450,8 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp đến 117,8 tỉ đồng. Ở sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa giảm 0,38 điểm, tức 0,54% và xuống 69,96 điểm do có đến 127 mã giảm giá, 76 mã đứng giá và 69 mã tăng giá. Khối lượng giao dịch đạt 31,3 triệu đơn vị tương ứng giá trị 308 tỉ đồng.
Theo các công ty chứng khoán, thông tin hỗ trợ thị trường trong tuần vừa qua chủ yếu là các tin tức đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ cho giao dịch của nhà đầu tư như rút ngắn thời gian giao dịch chứng khoán xuống còn T+3 vào tháng 9 và còn T+2 vào năm 2013, nới rộng biên độ dao động trên sàn TPHCM từ 5% lên 7%, nới lỏng các quy định về giao dịch chứng khoán và đẩy mạnh hoạt động IPO của các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, trong tuần này, thị trường nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với thông tin không mấy tích cực khi các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã bắt đầu lên kế hoạch đề xuất tăng giá xăng, với mức điều chỉnh có thể sẽ từ 700-1.300 đồng/lít. Giá dầu thế giới tăng trở lại là một diễn biến bất lợi đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vốn đã và đang gặp khó khăn.
|