Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, kể từ ngày 15.7.2012, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải xem xét giảm lãi suất cho vay cũ đối với doanh nghiệp (DN) về mức tối đa 15%/năm, đồng thời giảm lãi suất đối với các khoản vay mới… Tuy nhiên, qua gần 1 tháng thực hiện, việc triển khai chỉ đạo của Thống đốc NHNN trên địa bàn tỉnh ta gặp nhiều khó khăn…
|
Các NHTM và DN cần “ngồi lại với nhau” để cùng chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
- Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Techcombank Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU
|
Mặc dù Thống đốc NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các NHTM thực hiện việc giảm lãi suất đối với các DN có nợ vay cũ xuống mức tối đa là 15%/năm và hạ lãi suất đối với các khoản vay mới, nhưng các DN rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay mới…
Khó khăn đủ bề
Tại buổi làm việc với Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình vào ngày 10.8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc nêu ý kiến: “Thời gian qua, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với khủng hoảng nợ công ở châu Âu, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là đối với các DN thuộc ngành chế biến gỗ - lâm sản (CBG-LS) và chế biến đá (CBĐ). Thời gian gần đây, nhiều DN CBG-LS và CBĐ trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, hàng hóa tồn kho lớn… Nguyên nhân, do chi phí đầu vào tăng nhưng giá đầu ra không tăng, hiệu quả SXKD của các DN bị ảnh hưởng. Đã vậy, nhiều DN còn gặp khó khăn về vốn, thậm chí có nhiều DN đang rất “khát” vốn”.
“Ông Nguyễn Văn Bình hỏi thẳng: “Có doanh nghiệp chế biến gỗ - lâm sản, doanh nghiệp chế biến đá nào trên địa bàn vay vốn ngân hàng nhưng không làm gỗ, làm đá mà lại đi đầu tư vào bất động sản không?”.Nhiều tiếng xì xầm phía dưới: “Không ít!”…” |
Ông Lê Văn Lương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành, cho biết: “Các DN CBG-LS có chu kỳ vòng quay vốn khá dài (từ 6-7 tháng), thậm chí một số đơn hàng lên đến 9-12 tháng. Ngoài ra, muốn tồn tại, phát triển, DN cần rất nhiều vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô nhà xưởng, tối thiểu cũng 50 tỉ đồng, do khách hàng nước ngoài rất quan tâm đến quy mô và khả năng tài chính của DN. Trong khi đó, lâu nay nhiều DN CBG-LS tập trung vốn vào việc SXKD, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế như thời gian qua nên không sinh lời. Đây cũng là lý do mà DN bị NHTM đánh giá và xếp loại “DN yếu kém”, hạn chế cho vay… Đã khó khăn như thế mà mới đây, trong một chương trình của Bộ NN-PTNT bàn về vấn đề chọn một số lĩnh vực để ưu tiên phát triển, ngành CBG-LS lại bị đưa ra ngoài”.
Cùng “đồng cảnh ngộ” với ngành CBG-LS, đại diện của Hiệp hội Đá Bình Định, cho biết: Thời gian qua, các DN CBĐ cũng gặp khó vì thiếu vốn. Hiện các DN CBĐ trên địa bàn tỉnh còn tồn kho khoảng 40% lượng hàng và khoảng 1/3 DN đang “khát” vốn, nhưng đang đến kỳ hạn phải trả nợ ngân hàng. Vì vậy, khó khăn đối với các DN CBĐ không chỉ là vấn đề giảm lãi suất vay cũ về 15%/năm, mà còn khó tiếp cận với các khoản vay mới, vì nợ cũ chưa trả xong, tài sản thế chấp không còn…
Ông Lê Vỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (FPA) Bình Định, ý kiến: So với các DN ở khu vực Đông Nam Á, các DN Việt Nam phải chịu mức lãi suất rất cao (gấp 4-5 lần). Vì vậy, sức cạnh tranh của các DN Việt Nam yếu hơn các DN trong khu vực. Các DN Việt Nam nay đã …kiệt sức.
Nói về vấn đề DN khó tiếp cận vốn vay, ông Lê Vỹ phân tích: Do trước đây việc cho vay của ngân hàng thiếu chuẩn mực, để xảy ra nợ xấu, nên bây giờ nhiều NHTM cảm thấy lo ngại và cẩn trọng khi cho DN vay. Mặt khác, hầu hết các chi nhánh NHTM trên địa bàn đều không có “quyền tự quyết”, mà phải phụ thuộc vào quyết định của hội sở chính…
Cần xem xét trong việc cho vay
Tại buổi làm việc với Thống đốc NHNN Việt Nam, Chủ tịch Lê Hữu Lộc đề nghị Thống đốc Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo các NHTM quan tâm tạo điều kiện giúp các DN trên địa bàn, nhất là các DN CBĐ-LS và DN CBĐ tháo gỡ khó khăn, ổn định và từng bước phát triển SXKD. Chi nhánh NHNN tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn các Chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chủ trương cho vay vốn với lãi suất không quá 13%/năm và giảm lãi suất đối với các khoản nợ vay cũ xuống mức tối đa 15%/năm; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị cho vay với lãi suất vượt mức quy định…
Cụ thể hơn, ông Lê Văn Lương kiến nghị: “Thời gian qua, nhiều DN chủ yếu là hoạt động cầm cự, hầu như không có sinh lời, nhưng vẫn có phương án đầu tư, kinh doanh khả thi nên các NHTM cần ghi nhận, đánh giá và xem xét nâng hạn mức tín dụng… Đại diện Hiệp hội Đá Bình Định đề nghị các NHTM xem xét tiếp tục cho các DN CBĐ vay vốn, mặc dù không còn tài sản thế chấp, nhưng còn hàng tồn kho và có phương án kinh doanh khả thi…”.
Tại buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã “hỏi ngược” đại diện các hiệp hội ngành nghề và DN một số vấn đề, như: Trên địa bàn tỉnh có DN nào tồn tại những hợp đồng với lãi suất cũ không? Có DN nào có phương án kinh doanh khả thi, có dự án tốt mà ngân hàng không cho vay không? Câu trả lời là “không”. Ông Nguyễn Văn Bình hỏi thẳng: “Có DN CBG-LS, DN CBĐ nào trên địa bàn vay vốn ngân hàng nhưng không làm gỗ, đá mà lại đi đầu tư vào bất động sản không?”. Nhiều tiếng xì xầm phía dưới: “Không ít!”…
Lãnh đạo các chi nhánh NHTM cho rằng: Ngân hàng nào cũng muốn cho DN vay vốn, vì điều đó có lợi đối với ngân hàng. Tuy nhiên, giống như DN, ngân hàng cũng phải đối diện với những rủi ro. Vấn đề là DN phải có phương án kinh doanh khả thi, có báo cáo tài chính lành mạnh, minh bạch. Riêng về các tiêu chí đánh giá, xếp loại DN và cấp hạn mức tín dụng… các NHTM đều phải thực hiện theo quy định của NHNN.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh, đại diện các hiệp hội ngành nghề, DN và các chi nhánh NHTM trên địa bàn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu các NHTM cần lĩnh hội toàn bộ ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, hiệp hội và DN, nhằm nghiên cứu tìm giải pháp thích hợp, tạo điều kiện để các DN trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và phát triển SXKD. Các NHTM có thể hy sinh, giảm bớt phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với DN. Bởi vì, DN có “sống”, có tồn tại và phát triển thì ngân hàng mới có điều kiện phát triển.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý: Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, các NHTM cũng phải luôn chú ý đảm bảo chất lượng tín dụng. Ngân hàng cũng là DN kinh doanh tiền tệ nên khi cho vay bao giờ cũng phải yêu cầu DN có phương án kinh doanh khả thi và tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Vì vậy, các NHTM và DN cần “ngồi lại với nhau” để cùng chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp cho vay một cách thực sự khả thi, hữu hiệu…
|