Việc nghiên cứu sản xuất thành công con giống và xây dựng quy trình ương, nuôi thương phẩm 2 loại hàu muỗng và hàu Thái Bình Dương (TBD) đã mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi hàu tại các vùng ven biển và ở đầm Đề Gi, đầm Thị Nại…
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống bám đơn và thử nghiệm nuôi thương phẩm hàu TBD và hàu muỗng tại tỉnh Bình Định” vừa được Hội đồng KHCN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Đề tài do thạc sĩ Phùng Bảy, công tác tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, làm chủ nhiệm.
|
Thu hoạch hàu Thái Bình Dương nuôi tại đầm Đề Gi. |
Thạc sĩ Phùng Bảy cho biết: “Bình Định có rất nhiều diện tích mặt nước để phát triển nuôi hàu với bờ biển dài 134 km và 2 đầm Đề Gi, Thị Nại. Loài hàu muỗng từ lâu đã được xem là đặc sản ở đây, nhiều nghiên cứu thử nghiệm nuôi loại hàu này đã cho kết quả khả quan nhưng không thể ứng dụng và nhân rộng vì thiếu con giống. Hàu TBD là loài hải sản có giá trị cao về mặt kinh tế lẫn y học, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể tạo được con giống và nuôi thương phẩm thành công. Việt Nam cũng là nước không có giống hàu này trong tự nhiên nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào con giống sản xuất nhân tạo. Vài năm gần đây, chúng ta đã nghiên cứu và sản xuất thành công con giống và một vài địa phương trong nước đã nuôi thử nghiệm thành công”.
Qua 2 năm thực hiện, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm thành công 2 loại hàu nói trên, phù hợp với điều kiện địa phương. Hai giống hàu này do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cung cấp và chuyển giao kỹ thuật cho sinh sản tại Trung tâm Giống thủy sản (TTGTS) tỉnh. Đề tài cũng đã nuôi thử nghiệm tại 2 đầm Đề Gi và Thị Nại. Thông qua đề tài, TTGTS tỉnh đã có thể chủ động sản xuất nguồn giống của 2 loại hàu trên.
Con hàu sau khi cho sinh sản tại TTGTS tỉnh được nuôi đến giai đoạn giống cấp 1 (5-7 mm/con) thì được thả nuôi thương phẩm. Mô hình nuôi thương phẩm 2 giống hàu này đã được thực hiện tại đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, qua 2 vụ nuôi cho thấy kết quả rất khả quan. Các yếu tố thủy lý, thủy hóa tại các vùng nuôi thử nghiệm đều phù hợp với điều kiện sống của hàu.
Theo nhóm nghiên cứu, việc nuôi hàu ở mỗi vùng phải căn cứ theo mùa để lựa chọn phương pháp nuôi phù hợp. Nếu nuôi ở mùa lũ thì tỉ lệ sống của hình thức nuôi đáy luôn cao hơn hình thức nuôi nổi ở cả 2 loài hàu. Ngoài ra, hàu nuôi trong mùa khô có tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ sống cao hơn rất nhiều so với nuôi vào mùa lũ. Và ở mùa khô, hình thức nuôi nổi con hàu phát triển tốt hơn nuôi đáy.
Đây là lần đầu tiên, việc nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm 2 loại hàu được nghiên cứu một cách đầy đủ. Kết quả này đã tạo tiền đề triển khai một dự án sản xuất thực phẩm chức năng từ con hàu. Hiện nay, dự án đang được triển khai tại Tổng Công ty Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định. Hơn nữa, kết quả của đề tài đã mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi hàu, tăng sinh kế cho người dân ở những vùng ven biển Bình Định.
|