Mấy năm gần đây, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở tỉnh ta có sự tăng trưởng khá ấn tượng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2011 là 56,7%/năm. Hiện nay, ngành công nghiệp này đang tiếp tục phát huy lợi thế để bứt phá, với mục tiêu đến năm 2015 trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
|
Nhà máy chế biến TĂCN của Công ty TNHH AustFeed Bình Định.
|
Liên tục có nhiều doanh nghiệp (DN) lớn quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến TĂCN trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 11 dự án nhà máy chế biến TĂCN, với tổng công suất thiết kế 1,38 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 1.660 tỉ đồng, tổng diện tích xây dựng các nhà máy 72 ha. Trong đó, có 5 nhà máy đã xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng công suất thiết kế 245 ngàn tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 252 tỉ đồng.
Phát triển ổn định
Từ đầu năm đến nay, nhiều DN chế biến TĂCN trên địa bàn cả nước gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi chưa kiểm soát tốt, nhất là dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, thời gian gần đây, do tác động bởi các thông tin từ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để tạo heo siêu nạc, làm người tiêu dùng e ngại khi dùng thịt heo, khiến giá thịt heo trên thị trường giảm mạnh, nhưng giá TĂCN có xu hướng tăng (do nguyên liệu đầu vào tăng), nên người chăn nuôi bị thua lỗ, chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn... Chính điều này đã làm cho nhiều DN chế biến TĂCN gặp khó khăn.
“Trong giai đoạn khó khăn này, nếu DN nào quản trị dòng tiền tốt và chất lượng sản phẩm ổn định thì đều vượt qua khó khăn” |
Ông Lê Văn Khanh, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH AustFeed Bình Định (khu công nghiệp Nhơn Hội) - một trong những DN chế biến TĂCN lớn trên địa bàn tỉnh, cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều DN chế biến TĂCN gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường đầu ra bị thu hẹp. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, nếu DN nào quản trị dòng tiền tốt và chất lượng sản phẩm ổn định thì đều vượt qua khó khăn. Riêng DN chúng tôi coi đây là cơ hội phát triển chứ không hoàn toàn là khó khăn. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thức ăn do nhà máy chúng tôi sản xuất và tiêu thụ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011”.
Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: “Phần lớn các DN chế biến TĂCN ở tỉnh ta đều hoạt động ổn định và đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân, do các nhà máy chế biến TĂCN ở tỉnh ta được xây dựng với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm ổn định, tạo được niềm tin với khách hàng trong tỉnh cũng như khu vực. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, các DN chế biến TĂCN trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được gần 100 ngàn tấn TĂCN các loại, tăng 14,9% so cùng kỳ. Trong đó, thức ăn gia súc chiếm 71%, thức ăn gia cầm 29%. Đây là niềm vui của ngành công nghiệp tỉnh nhà trong giai đoạn khó khăn vừa qua”.
Hướng đến mục tiêu mới
Theo nhận định của các chuyên gia, tỉnh ta có nhiều cơ hội để phát triển mạnh ngành chế biến TĂCN nhờ vào những lợi thế vốn có. Trước hết là có đầy đủ các điều kiện hạ tầng, rất thuận lợi cho việc phát triển ngành chế biến TĂCN, như có quốc lộ 1A đi qua, nối với các tỉnh phía Bắc và phía Nam; quốc lộ 19 nối cảng Quy Nhơn với khu vực Tây Nguyên; cảng Quy Nhơn rất thuận lợi trong việc nhập khẩu nguyên liệu chế biến TĂCN.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chế biến TĂCN trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận cũng rất phong phú, với trữ lượng lớn. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, hiện có đến 13.500 ha trồng mì, sản lượng đạt 320.000 tấn/năm; gần 8.000 ha trồng bắp, sản lượng đạt 44.000 tấn/năm và khoảng 8.800 ha trồng đậu phụng, sản lượng đạt 25.000 tấn/năm. Với số lượng nguyên liệu này, cộng với nguồn nguyên liệu thu mua thêm từ các tỉnh lân cận đủ để các nhà máy chế biến TĂCN trên địa bàn tỉnh nâng công suất lên gấp 6-7 lần so với hiện tại.
Ngoài ra, nhu cầu thị trường TĂCN ở tỉnh ta cũng như khu vực còn khá lớn. Hiện nay, sản lượng TĂCN do các nhà máy sản xuất chỉ cung cấp khoảng 55-60% so với nhu cầu thực tế, phần còn lại do các hộ gia đình tự chế biến lấy. Trong khi đó, xu hướng hiện nay là người chăn nuôi ngày càng chú trọng đến nguồn TĂCN công nghiệp, đặt biệt các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Ngoài ra, ngành chế biến TĂCN hiện đang được Nhà nước khuyến khích phát triển, với nhiều cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về mặt bằng sản xuất và nguồn vốn vay cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Võ Mai Hưng cho biết: “Với những lợi thế như vậy, ngành Công Thương tỉnh đang đặt kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến TĂCN, nhằm góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh ta đề ra mục tiêu phát triển ngành chế biến TĂCN trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh”.
Ông Lê Văn Khanh cho biết: “Hiện nay, DN chúng tôi đã xây dựng 3 kho hàng ở Quảng Trị, Đăk Lắk và Ninh Thuận trữ TĂCN cung ứng cho các thị trường này. Do vậy, để đảm bảo cung ứng cho khách hàng, ngoài dây chuyền chế biến TĂCN công suất 100 ngàn tấn sản phẩm/năm đang hoạt động, DN đang đầu tư 200 tỉ đồng lắp đặt thêm một dây chuyền chế biến TĂCN có công suất 200 ngàn tấn sản phẩm/năm. Dự kiến vào khoảng cuối năm 2012 này dây chuyền mới sẽ đi vào hoạt động”.
Ngoài dự án đầu tư nâng công suất của Công ty TNHH AustFeed Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh còn 6 nhà máy đang trong quá trình đầu tư xây dựng, với tổng công suất thiết kế đạt 1,13 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 1.407 tỉ đồng, tổng diện tích xây dựng các nhà máy 60 ha. Dự kiến các nhà máy này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm 2012 và trong năm 2013.
|