Công tác PCLB-TKCN trên biển:
Phải luôn sẵn sàng, chủ động
22:57', 17/8/ 2012 (GMT+7)

Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển trong mùa mưa bão luôn chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người và tài sản của ngư dân. Nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân trong mùa mưa bão, ngành Thủy sản tỉnh đã chủ động triển khai các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) trên biển...

Còn nhiều nỗi lo

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có đội ngũ tàu khai thác thủy sản 7.750 chiếc, với tổng công suất trên 670 ngàn CV. Trong đó, tàu khai thác, đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên là 2.300 chiếc, đánh bắt tại hầu hết các ngư trường trong cả nước; số còn lại chủ yếu hoạt động đánh bắt thủy sản ven bờ. Tổng số lao động làm việc trên các tàu cá Bình Định khoảng 50.000 người. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều tàu cá đã cũ kỹ; máy móc, thiết bị lạc hậu, hệ thống thông tin liên lạc, định vị…không đầy đủ, nên khả năng chịu đựng sự tác động của gió bão rất kém, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động đánh bắt trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, bến bãi neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão ở tỉnh ta còn thiếu và chưa được đầu tư đúng mức; sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong tỉnh với bà con ngư dân trong việc PCLB-TKCN trên biển chưa chặt chẽ, nên khi xảy ra sự cố rất khó ứng cứu. 

 
Lực lượng chức năng diễn tập công tác PCLB-TKCN trên biển.  Ảnh: T. Sỹ

Về năng lực PCLB-TKCN trên biển của tỉnh hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, đáng chú ý là thiếu phương tiện TKCN, cứu hộ trên biển. Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị đảm nhận chính công tác TKCN trên biển, nhưng chỉ có 3 tàu để thực hiện nhiệm vụ này, trong đó tàu lớn nhất chỉ chịu được sức gió từ cấp 6 trở xuống. Ngành Thủy sản tỉnh có 1 tàu kiểm ngư, song chỉ chịu được sức gió cấp 5 cấp 6. Trung tâm Phối hợp TKCN quốc gia khu vực II (Đà Nẵng) thì ở quá xa, nên công tác TKCN phần lớn không hiệu quả. Thực tế trong những năm qua, nhiều tàu cá ở tỉnh ta khi bị nạn thì ngư dân phải tự cứu nhau hoặc nhờ các đơn vị khác hỗ trợ.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và thông tin thủy sản thuộc Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, cho biết: “Ở Bình Định, với các phương tiện hiện có rất khó tổ chức tốt công tác PCLB-TKCN, cứu hộ trên biển khi có tình huống xấu xảy ra trong mùa mưa bão. Do vậy, công tác quản lý tàu thuyền trên biển trong mùa mưa bão cần được quan tâm; cần tăng cường năng lực thông tin cảnh báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra. Tại các địa điểm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cần tổ chức tốt việc nạo vét luồng lạch, bến bãi, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào tránh, trú bão an toàn là việc làm hết sức cần thiết trước khi mùa mưa bão đến”.

Sẵn sàng, chủ động

Lực lượng, phương tiện huy động phục vụ công tác PCLB-TKCN chuyên ngành Thủy sản: Bộ phận thường trực trực tại số 110 Trần Hưng Đạo - TP Quy Nhơn. Điện thoại 0563.892.558, Fax 0563.892.812. Vô tuyến điện tần số 7903 KHz, hô hiệu: “Bình Định cứu nạn”. Bộ phận an toàn tàu cá trực tại 110 Trần Hưng Đạo - TP Quy Nhơn. Điện thoại 0563.892.902. Bộ phận xung kích PCLB-TKCN trực tại 401 Đống Đa - TP Quy Nhơn. Điện thoại 0563.823.052.

Để thực hiện tốt công tác PCLB-TKCN trên biển theo phương châm “Chủ động phòng, tránh; đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả”, vừa qua, Thường trực PCLB-TKCN chuyên ngành Thủy sản thuộc Sở NN-PTNT đã triển khai các phương án PCLB-TKCN; tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai cho ngư dân; xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị đối phó phù hợp với thực tế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của ngư dân. Thực hiện nghiêm túc quy trình đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy định; tổ chức đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng và cấp giấy phép khai thác hải sản cho ngư dân. Tăng cường phối hợp thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo liên lạc thông suốt giữa trạm bờ với các đài tàu của ngư dân; giữa thường trực PCLB-TKCN chuyên ngành Thủy sản đến các khu neo đậu tránh trú bão, các cảng cá, các đơn vị địa phương. Hướng dẫn ngư dân trang bị các thiết bị an toàn như ra đa hàng hải, máy đàm thoại và các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… trước khi ra khơi đánh bắt. Vận động bà con ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đánh bắt cũng như ứng phó với thiên tai...

Hiện nay, hệ thống thông tin liên lạc giữa Ban Chỉ huy PCLB-TKCN chuyên ngành Thủy sản đã kết nối với các địa phương, các chủ tàu, các đài thông tin duyên hải, các lực lượng TKCN của tỉnh và Trung ương… Khi có thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, lực lượng PCLB-TKCN chuyên ngành Thủy sản sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi các bản tin thời tiết, kịp thời thông báo đến ngư dân và hướng dẫn họ các biện pháp phòng tránh, cũng như các biện pháp cứu nạn, cứu hộ; đồng thời phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển và các Trung tâm TKCN khu vực thông tin cho ngư dân biết, chủ động phòng tránh.

Ông Nguyễn Duy Lâm cho biết thêm: Nhằm hỗ trợ ngư dân trang bị các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, ngành Thủy sản tỉnh đang tiến hành tiếp nhận hỗ trợ các thiết bị công nghệ Movimar (thiết bị quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh) cho 305 tổ đội đoàn kết sản xuất, đánh bắt xa bờ. Đây là dự án được thực hiện bằng vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ cho ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, với tổng trị giá 13,9 triệu Euro, thời gian thực hiện trong 3 năm (2011-2013). Việc trang bị công nghệ kết nối vệ tinh Movimar nhằm giúp ngành chức năng nắm bắt chính xác thông tin hoạt động của tàu cá trên biển; hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác biển hiệu quả cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thiết bị Movimar còn giúp ngư dân tiếp nhận dự báo thời tiết nhanh, kịp thời, chính xác; hỗ trợ thuyền trưởng định vị chính xác ngư trường khai thác, tiết kiệm nguồn nhiên liệu…

Bên cạnh đó, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cũng tăng cường phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức kiểm tra các trang thiết bị an toàn tàu cá cho ngư dân; phối hợp với Đài Duyên hải Quy Nhơn tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân trang bị các thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá nhằm nắm bắt các thông tin về tình hình thời tiết trong suốt mùa mưa lũ một cách kịp thời, chính xác. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành đề án phát triển mô hình tổ, đội ngư dân đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất, PCLB-TKCN trên biển giai đoạn 2012-2016…

  • NGUYỄN HÂN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tài trợ 300 triệu đồng xây dựng trường mầm non  (17/08/2012)
Nhơn An nỗ lực xây dựng nông thôn mới  (16/08/2012)
Phát huy lợi thế để bứt phá  (16/08/2012)
Tàu cập cảng nhiều, doanh thu tăng cao  (16/08/2012)
Tập huấn quy định về quản lý thuê bao di động trả trước  (16/08/2012)
Triển vọng mới cho nghề nuôi hàu thương phẩm  (15/08/2012)
Giúp nâng cao năng lực cạnh tranh  (15/08/2012)
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện  (15/08/2012)
Giống lúa lai CT 16 tại xã Vĩnh Hiệp trổ không đều là do lẫn nền  (15/08/2012)
Phù Cát mua 69.350 liều vaccin tiêm phòng gia súc  (15/08/2012)
Gần 10 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở Nhơn Lộc  (15/08/2012)
Hạn chế ngập nước và ô nhiễm môi trường  (14/08/2012)
Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cấp nước và vệ sinh  (14/08/2012)
Cần xem xét kỹ trong việc cho vay vốn  (14/08/2012)
Trình diễn các loại máy phục vụ trồng mía  (14/08/2012)