Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) đã nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tự nguyện hiến đất làm đường giao thông...
Hệ thống giao thông của xã Phước Mỹ chỉ có vài tuyến đường bê tông lẫn đường đất liên xóm rộng chừng 5 m trở lại, còn các con đường trong xóm, làng đều nhỏ hẹp và chưa được bê tông. Một số khu vực dân cư sống rải rác vẫn chưa có đường giao thông. Yêu cầu đặt ra là phải mở đường để phục vụ dân sinh. Đây là bài toán khó đối với một xã miền núi, thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn như Phước Mỹ; việc huy động vốn xây dựng đã khó, nói gì đến kinh phí đền bù ruộng, đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng.
|
Đổ bê tông tuyến đường Bờ Dòng mới mở ở thôn Mỹ Lợi, xã Phước Mỹ. Ảnh: Phi Hùng |
Ông Cao Minh Thi, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, cho biết: Năm 2012, tỉnh phân bổ chỉ tiêu cho địa phương làm 6 tuyến đường bê tông giao thông nông thôn (GTNT) với tổng chiều dài 5.249 m (tỉnh hỗ trợ 167 tấn xi măng/km, còn lại là kinh phí của UBND TP Quy Nhơn). Đến thời điểm này, xã đã triển khai 5 tuyến, gồm 4 tuyến đang thi công và 1 tuyến đang trình UBND TP Quy Nhơn phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Trong số 5 tuyến đường đang triển khai, có 4 tuyến đường người dân bị ảnh hưởng quy hoạch, cần phải giải tỏa mặt bằng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và Nhà nước về XDNTM, toàn xã có 83 hộ dân tự nguyện hiến 9.831 m2 đất ruộng, đất lâm nghiệp, đất vườn để làm đường giao thông.
Trước hết phải kể đến công trình GTNT mới mở ở thôn Mỹ Lợi, thường gọi là Bờ Dòng với tổng chiều dài 1.350 m; mặt đường rộng 6 m, bê tông 3 m; nối thôn Thanh Long với thôn Mỹ Lợi; tổng kinh phí 2,293 tỉ đồng. Ban đầu, người dân có đất quy hoạch làm đường không thống nhất và đòi đền bù, hoặc hoán đổi ruộng. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân. Kết quả là 30 hộ dân thôn Mỹ Lợi đã tự nguyện hiến phần đất của 44 thửa ruộng, đất lâm nghiệp, đất vườn với tổng diện tích 6.660 m2 nằm trong tuyến đường đi qua. Nhiều hộ đã hiến từ 200 - 300 m2. Hiện tuyến đường này đã hoàn thành san nền rộng 6 m, bê tông trên 200 m.
Hộ ông Nguyễn Văn Sáu, ở xóm 3, thôn Mỹ Lợi, hiến 463,66 m2. Ông Sáu tâm sự: “Khi mở đường Bờ Dòng, tui có 3 đám ruộng phải thâm vô gần 500 m2, nhưng gia đình tui và bà con ở đây đều vui vẻ hiến đất ruộng để làm đường, vì làm đường chủ yếu phục vụ việc đi lại, giao thương… cho bà con ở địa phương mình”.
Tuyến GTNT đang thi công ở thôn Long Thành dài 1.000 m, 9 hộ dân hai bên đường đã hiến 692 m2 đất vườn. Tuyến đường đang thi công ở thôn Thanh Long dài 446 m, 24 hộ dân bị ảnh hưởng cũng đã hiến 397 m2 đất làm đường. Một tuyến đường mới cũng ở thôn Thanh Long dài 833 m, có 20 hộ dân đã tự nguyện hiến đất vườn, tự tháo dỡ mái hiên, tường rào, cổng ngõ của nhà mình để bàn giao cho đơn vị san ủi mặt bằng.
Bác Nguyễn Trước, ở xóm 2, thôn Thanh Long, cho biết: “Tui có 3 đứa con ở xóm 4, có nhà ở sát tuyến đường mới. Ban đầu tụi nó không chịu phá dỡ tường rào vì phải bỏ tiền ra xây lại. Sau khi tui khuyên giải, thuyết phục, tụi nó nghe và tự tháo dỡ để làm đường bê tông đi lại cho thuận lợi. Trước là vận động con cái, sau là vận động bà con địa phương để làm con đường này cho sạch đẹp, cũng là chung sức XDNTM…”.
Ông Cao Minh Thi cho biết: Địa phương đã tuyên truyền, vận động 83 hộ dân có đất bị ảnh hưởng quy hoạch, cả 83 hộ đều tình nguyện hiến đất làm đường. Nếu không thực hiện tốt công tác này thì số diện tích trên 9.800 m2 phải đưa vào phương án đền bù, giải tỏa sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc triển khai. Trong đó nguồn kinh phí đền bù khá lớn và tổng kinh phí đầu tư sẽ tăng cao.
Hầu hết người dân Phước Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn trong đời sống, nhưng bà con sẵn sàng hiến đất để làm đường. Có thể nói, sự đồng lòng, chung sức của người dân sẽ là điều kiện quan trọng để xã Phước Mỹ sớm hoàn thành xây dựng hệ thống GTNT ở địa phương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các tiêu chí XDNTM.
|