Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã nhiều lần đầu tư nâng cấp cảng cá Quy Nhơn nhằm phục vụ phát triển kinh tế thủy sản. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngư dân thuận lợi hơn, lượng tàu thuyền và sản lượng hàng hóa qua cảng ngày càng nhiều.
|
Hoạt động mua bán thủy hải sản diễn ra sôi nổi tại cảng cá Quy Nhơn.
|
Nghề cá tỉnh ta đã có sự phát triển rất mạnh, đặc biệt là hoạt động khai thác xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 7.750 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó có 50% số lượng tàu cá di chuyển ngư trường ngoài tỉnh, là một trong những địa phương có đội tàu khai thác hải sản hùng hậu so với cả nước. Hoạt động đánh bắt xa bờ được đẩy mạnh, nên sản lượng hải sản khai thác hàng năm đạt khá cao, từ 100 ngàn tấn trở lên. Riêng năm 2011, ngư dân trong tỉnh đã khai thác được 151.018 tấn hải sản. 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng hải sản khai thác đạt 74.000 tấn.
Nâng cấp, mở rộng cảng cá
Tuy nghề khai thác thủy hải sản ngày càng phát triển, nhưng dịch vụ hậu cần, đặc biệt là hệ thống cảng cá trên địa bàn tỉnh không phát triển kịp. Cảng cá Quy Nhơn vừa phục vụ hậu cần nghề cá, vừa là đầu mối giao thông đường thủy giữa TP Quy Nhơn với các xã đảo, nên lượng tàu thuyền, xe cộ và hàng hóa ra vào cảng rất lớn; những lúc biển được mùa, lượng tàu thuyền vào cảng 40 - 50 chiếc/ngày. Với lượng tàu thuyền lớn như vậy, nhưng theo thiết kế, năng lực của cầu cảng chỉ đủ cho 10 tàu thuyền có công suất 90 CV cập cầu, nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Do đó đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, như tàu thuyền giành nhau cập cầu, làm cho việc lên-xuống hàng hóa rất vất vả và mất an toàn...
Các loại dịch vụ hậu cần nghề cá cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nên nhiều chủ tàu thuyền còn e ngại khi đưa tàu cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm cũng như tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm… Bởi vậy, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, nhằm phát triển kinh tế thủy sản là việc làm thiết thực.
Trong các năm 2001- 2003, tỉnh ta đã đầu tư khoảng 8,5 tỉ đồng nâng cấp bến đò Hàm Tử thành cảng cá Quy Nhơn. Năm 2003, dự án xây dựng cảng cá Quy Nhơn đã hoàn thành với các hạng mục gồm bến cầu tàu, cầu chính dài 110m, cầu dẫn 80m… Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cảng cá này lại quá tải.
Năm 2007, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, tỉnh ta tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá Quy Nhơn. Dự án này gồm 5 gói thầu. Gói thầu số 1 (công trình thủy công) gồm nạo vét vũng đậu tàu diện tích 3 ha với khối lượng nạo vét khoảng 511.613 m3 cát, đất cát pha. Xây dựng bến liền bờ dài 315 m, lắp đặt 24 trụ neo tàu trên bến liền bờ; kè bảo vệ bờ dài 120 m. Gói số 2 (các hạng mục công trình dịch vụ) gồm xây dựng nhà tiếp nhận hàng có diện tích 4.000m2 gồm 2 tầng; tầng 1 là nơi tiếp nhận hàng, cân đong phân loại, diện tích 3.000m2; tầng 2 gồm các phòng làm việc diện tích 1.000m2, nhà trực, hệ thống điện, nước sinh hoạt, xử lý nước thải, thiết bị văn phòng… Gói số 3 (hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật) gồm thi công đường nội bộ, bãi để xe, hệ thống cấp-thoát nước; hệ thống phòng cháy chữa cháy và hệ thống điện. Gói số 4 tư vấn giám sát công trình. Gói số 5 rà phá bom mìn diện tích 3 ha, độ sâu 5m. Đầu năm 2012, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Phát huy hạ tầng cảng cá
Nhờ hạ tầng cảng cá Quy Nhơn được xây dựng khá hoàn thiện, tàu thuyền và các loại phương tiện khác ra vào cảng rất đông, hoạt động mua bán thủy hải sản diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Ông Ngô Văn Chí, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ tàu cá BV 6141 TS, cho biết: “Cơ sở hạ tầng cảng cá Quy Nhơn khá tốt, hoạt động thu mua sản phẩm diễn ra cả ngày lẫn đêm; việc tiếp tế nhiên liệu, mua lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho tàu cá ra khơi cũng rất thuận lợi nên tôi thường xuyên cập cảng này để bán sản phẩm. Hôm nay, sau khi giao cho khách hàng 4 tấn cá nục, tàu cá của tôi lại tiếp tục ra khơi để thu mua sản phẩm của ngư dân, sau đó cập cảng Quy Nhơn bán lại”.
Theo Ban quản lý (BQL) Cảng cá Quy Nhơn, hiện nay tàu thuyền ngư dân trong và ngoài tỉnh cập cảng ngày càng nhiều, việc mua bán thủy hải sản tại cảng cá sôi động hơn trước rất nhiều. Mỗi ngày có trên dưới 30 “chủ nậu” trong và ngoài tỉnh chuyên túc trực để mua cá ở đây đưa đi phân phối ở các chợ đầu mối trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Các phương tiện vận chuyển ở khu vực cảng cá khá hùng hậu, luôn trong tư thế sẵn sàng chở cá đi các nơi theo yêu cầu của các “chủ nậu”. BQL cảng cá Quy Nhơn đã phân công cán bộ, nhân viên túc trực 24/24 giờ hàng ngày để thu phí, đồng thời phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cảng cá, nên tình hình an ninh tại cảng khá tốt.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL Cảng cá Quy Nhơn, tàu thuyền của ngư dân cập cảng ngày càng nhiều (có thời điểm 70-80 tàu cá cập cảng một lúc), nên nhu cầu về các loại dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá ngày càng cao, là điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả hoạt động của cảng cá. Hiện BQL đã tham mưu cho Sở NN-PTNT đề nghị tỉnh cho phép sử dụng diện tích khoảng 1.500 m2 đất đã quy hoạch trồng cây xanh trong khu vực cảng cá để xây một dãy nhà kho cho ngư dân thuê chứa các loại dụng cụ phục vụ nghề cá; cho phép BQL thực hiện phương án xã hội hóa trong việc huy động vốn để xây dựng khu vực hậu cần nghề cá và xây dựng khu vực chuyên thu mua, sơ chế cá ngừ đại dương tại cảng cá…
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL Cảng cá Quy Nhơn, cho biết: Từ đầu năm đến nay, cảng cá đã tiếp nhận 6.184 lượt tàu cá trong và ngoài tỉnh ra vào bán sản phẩm, lấy tổn (nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước đá…) với tổng sản lượng hàng hóa qua cảng là 30.419 tấn, gần bằng cả năm 2011. Tàu thuyền ra vào cảng ngày một tăng đã kéo theo nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá tăng theo. Nhờ vậy, nguồn thu 6 tháng đầu năm của cảng cá đạt 1,1 tỉ đồng, bằng 80% doanh thu của năm 2011. |
|