Thời gian qua, nhiều khu công nghiệp (KCN) đã được xây dựng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) vào đầu tư với hàng chục ngàn lao động vào làm việc. Tuy nhiên, tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
“Trắng” dịch vụ
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 KCN đã và đang được triển khai xây dựng. Trong đó, KCN Phú Tài và Long Mỹ đã được lấp đầy; KCN Nhơn Hòa đang tiếp tục triển khai xây dựng, cơ bản lấp đầy mặt bằng giai đoạn 1; KCN Cát Trinh đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư; KCN Hòa Hội đang xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục xây dựng hạ tầng.
Có thể thấy rằng, các KCN trên địa bàn tỉnh đã bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội về nhiều mặt. Tuy nhiên, điều đáng nói là chúng ta chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy, chưa có các dịch vụ để bảo đảm cho công nhân và các DN hoạt động thuận lợi.
|
Hội thao các KCN Bình Định lần thứ I - năm 2012. |
Nhiều DN đang đầu tư tại các KCN ở tỉnh ta đều cho rằng cả mảng dịch vụ cho các nhà đầu tư lẫn dịch vụ cho người lao động tại các KCN đều đang rất hạn chế. DN nào cũng phàn nàn các KCN trên địa bàn tỉnh thiếu nhà ở cho công nhân; thiếu các phương tiện công cộng, dịch vụ y tế cộng đồng, hoạt động thương mại tại chỗ, các khu vui chơi giải trí… khiến nhà đầu tư và công nhân rất bất tiện trong sinh hoạt.
Hiện nay, phần lớn số lao động nhập cư làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh phải thuê nhà trọ ở khu vực xung quanh KCN để ở. Việc ăn ở chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh và điều kiện sống tối thiểu… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động và môi trường sống của những khu vực xung quanh KCN.
Anh Lê Hồng Ân (quê Mỹ An, Phù Mỹ) làm công nhân tại KCN Phú Tài, tâm sự: “Hai vợ chồng tôi làm công nhân ở đây được gần 5 năm. Chúng tôi phải thuê nhà trọ để ở song rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân 3-4 m2/người, không bảo đảm điều kiện tối thiểu về điện, nước, vệ sinh; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và năng suất lao động. Nếu DN có nhà tập thể cho công nhân ở thì chúng tôi yên tâm làm việc hơn.
Hiện nay, tại các KCN trên địa bàn tỉnh chưa có nhà văn hóa, sân chơi thể thao, thư viện… để phục vụ công nhân. Ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh, cho biết: Khi quy hoạch KCN, chủ đầu tư luôn dành từ 3-5% diện tích đất để xây dựng khu dịch vụ, nhưng không có DN nào “dám” đầu tư. Điều này cũng dễ hiểu khi khả năng sinh lời từ các khu dịch vụ là không cao. Bởi đối với công nhân, thu nhập bình quân chỉ khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, thì việc tiếp cận các dịch vụ “đạt chuẩn” là điều xa xỉ đối với họ.
Cần sớm cải thiện
Để thực hiện đạt mục tiêu theo Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cần có chính sách phát triển và cơ chế bắt buộc DN đầu tư vào các KCN phải xây dựng các thiết chế văn hóa. Đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân, tỉnh cần có quy chế yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN phối hợp với DN thứ cấp tiếp cận chính sách khuyến khích để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo quy định của Nhà nước
Ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh |
Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản. Một trong những điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư từ các DN Nhật Bản là phải xây dựng được KCN gắn với hệ thống hạ tầng xã hội (nhà ở, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, môi trường đô thị...). Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có quy định bắt buộc các KCN phải đảm bảo các yêu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người lao động.
Cụ thể, ngày 12.10.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1780/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, 70% công nhân và người sử dụng lao động ở các KCN được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có KCN) hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; 50% công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 50% “DN đạt chuẩn văn hóa” theo quy định của Bộ VH-TT-DL.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới BQL Khu kinh tế, các cấp, các ngành và các DN trên địa bàn tỉnh sẽ phối hợp đẩy mạnh các phong trào văn hóa, thể thao trong công nhân. Thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao cho công nhân ở các KCN. Ngoài ra, BQL cũng đã giao cho Công đoàn của Ban xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho công nhân ở các KCN và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN Phú Tài và Long Mỹ. Tuy nhiên, việc làm này đang gặp nhiều khó khăn, vì kinh phí được ngân sách hỗ trợ còn hạn hẹp.
Ông Man Ngọc Lý cho biết: Để thực hiện đạt mục tiêu theo Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cần có chính sách phát triển và cơ chế bắt buộc DN đầu tư vào các KCN phải xây dựng các thiết chế văn hóa. Đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân, tỉnh cần có quy chế yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN phối hợp với DN thứ cấp tiếp cận chính sách khuyến khích để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có những chính sách ưu đãi riêng để khuyến khích các đầu tư vào lĩnh vực này…
|