Tiến tới xóa bỏ lò gạch nung thủ công ở Tây Sơn:
Còn nhiều việc phải làm
20:34', 23/8/ 2012 (GMT+7)

Xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Song để thực hiện tốt chủ trương này mà không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người làm gạch ngói bằng đất sét nung thủ công ở Tây Sơn thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

 

Sản xuất gạch ngói ở Phú Phong - Tây Sơn. Ảnh: VĂN LƯU

 

Sản xuất gạch ngói là nghề truyền thống ở huyện Tây Sơn, góp phần tạo việc làm cho người dân nơi đây, đem lại nguồn thu khá lớn cho địa phương. Tuy nhiên, việc sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung thủ công tiêu tốn nhiều nguyên liệu đất sét làm ảnh hưởng tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đất nông nghiệp, làm thay đổi hiện trạng độ phì nhiêu của đồng ruộng; gây ô nhiễm môi trường…

Còn những băn khoăn

Theo tính toán, nghề sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn mỗi năm cần hơn 90.000 m3 đất sét, 10.000 tấn than đá và không ít củi, bổi... Nhìn chung, đến nay, qua công tác tuyên truyền, một số chủ cơ sở sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn đã thông suốt chủ trương và thấy rõ được những tác hại của việc sản xuất gạch ngói đất sét nung. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hiện nay bà con sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều lúng túng, khó khăn trong việc chuyển đổi sản xuất.

Ông Đặng Thành Sĩ, chủ một cơ sở sản xuất gạch ngói ở Bình Nghi, cho biết: “Theo chủ trương của Nhà nước, tới tháng 6.2014 là bà con phải tháo dỡ lò, nếu không tháo dỡ thì phải chuyển đổi từ lò gạch ngói nung sang lò gạch không nung, nhưng bà con thấy quá khó khăn. Thứ nhất, muốn chuyển đổi thì máy móc ra sao bà con chưa nắm được. Thứ hai là gạch ngói không nung không sử dụng nguyên liệu đất sét thì phải thay bằng những nguyên - vật liệu gì, ví dụ như cát, xi măng hay như thế nào, phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để bà con nắm bắt được…”.

Theo nhiều chủ lò gạch nung thủ công ở Tây Sơn, bà con rất hiểu đốt lò sẽ nhả khí này nọ gây ô nhiễm môi trường, nên cũng chấp nhận chuyển đổi, nhưng tình hình chung là rất khó khăn, mà thời gian từ nay đến tháng 6.2014 chỉ còn chưa đầy 2 năm, cho nên trước khi chuyển đổi đề nghị ngành chức năng tổ chức cho bà con tập huấn cách chuyển đổi như thế nào, theo mô hình gì… để học tập và làm theo. Hiện nay nhiều lò trại đang xuống cấp nhưng bà con không dám sửa chữa vì sắp chuyển đổi, đến mùa mưa nữa là sập hết, bà con rất lo lắng…

Sẽ thực hiện đúng lộ trình

Thực hiện Chỉ thị số 04 của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung, tiến đến xóa bỏ lò gạch nung thủ công trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Tây Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo xóa bỏ lò gạch nung thủ công trên địa bàn huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã và đang tập trung xây dựng các phương án chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ các lò gạch nung thủ công; tăng cường tuyên truyền sâu rộng chủ trương nghiêm cấm sử dụng đất sét vào việc sản xuất gạch ngói. UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan như Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, quy hoạch vị trí di dời các lò gạch nung thủ công chuyển sản xuất gạch theo công nghệ mới và quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất…

Để công tác chuyển đổi các lò gạch nung thủ công đạt hiệu quả cao, thời gian tới, UBND huyện Tây Sơn sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo, giới thiệu các mô hình sản xuất vật liệu xây dựng không nung, gạch không nung, xây dựng lò gạch tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt là để thực hiện tốt lộ trình đến ngày 30.6.2014 trên địa bàn Tây Sơn sẽ chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung thủ công, UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành hữu quan như Phòng LĐ-TB-XH, Phòng Kinh tế - Hạ tầng triển khai xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động bị mất việc làm; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về vốn, về thuế đối với những hộ sản xuất gạch nung thủ công chuyển đổi công nghệ hoặc thay đổi nghề nghiệp…

Sau khi tổ chức thực hiện các bước trên, đến thời điểm ngày 30.6.2014, nếu cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thủ công nào không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các lò gạch không thực hiện chuyển đổi theo các công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sản xuất gạch không nung.  

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tây Sơn có tổng số 934 lò sản xuất gạch ngói, trong đó có 930 lò thủ công, tập trung chủ yếu tại xã Bình Nghi với 474 lò, xã Tây Xuân 253 lò; tổng sản lượng khoảng 290 triệu viên gạch và 70 triệu viên ngói/năm. Các lò gạch ngói đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động tại địa phương.

  

  • HOÀNG CHI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chỉ số phát triển công nghiệp tháng 8 tăng 17,3% so với cùng kỳ  (23/08/2012)
Khảo sát xây dựng hồ chứa nước ngọt tại xã đảo Nhơn Châu  (23/08/2012)
Xây dựng thí điểm cánh đồng mẫu lớn tại Hoài Ân  (23/08/2012)
Tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại  (22/08/2012)
Nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng  (22/08/2012)
Hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc trên biển  (22/08/2012)
Vàng tăng mạnh, xuất hiện lực mua “bất thường”  (22/08/2012)
Tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới  (21/08/2012)
Bùng phát nuôi chim yến trong khu dân cư  (21/08/2012)
Sôi động và lành mạnh hơn  (21/08/2012)
Chỉ thành công về mặt kỹ thuật  (21/08/2012)
Đề xuất giải pháp vực dậy doanh nghiệp gỗ  (20/08/2012)
“Bùng nổ” về kiểu dáng  (20/08/2012)
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng kiểm tra mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Hoài Ân  (20/08/2012)
Thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm  (20/08/2012)