Đê Khu Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh, có tổng chiều dài gần 50 km, chạy dài từ TP Quy Nhơn đến các xã phía Đông của huyện Tuy Phước và Phù Cát, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn trong mùa mưa lũ cho trên 200 ngàn người dân bên trong tuyến đê. Do đưa vào khai thác sử dụng đã lâu, nhưng thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng, nên nhiều đoạn đê xung yếu trên hệ thống đê này đã bị xuống cấp, hư hỏng, thiếu an toàn trong mùa mưa lũ...
Nhiều nỗi lo trước mùa mưa lũ
Hiện nay, Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (TLĐĐ - PCLB) thuộc Sở NN-PTNT - đơn vị trực tiếp quản lý đê Khu Đông - đang triển khai các biện pháp PCLB cho tuyến đê xung yếu này…
|
Thi công sửa chữa, nâng cấp tuyến đê Đông đoạn thuộc xã Phước Thuận - Tuy Phước. |
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục TLĐĐ-PCLB, cho biết: Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh, hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để nâng cấp, sửa chữa đê Khu Đông. Hiện nay, đã có 18 km chiều dài đê được gia cố bằng bê tông kiên cố, chiếm 40% tổng chiều dài toàn tuyến đê. Như vậy, trên toàn tuyến đê với tổng chiều dài gần 50 km còn hơn 30 km đê đang trong tình trạng xuống cấp, cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ trong mùa mưa lũ. Đáng chú ý là hàng chục cây số đê, các cống thoát nước, tràn xả lũ thuộc địa bàn các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng (Tuy Phước); xã Cát Chánh (Phù Cát); phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) bị xuống cấp nghiêm trọng từ các mùa mưa bão trước. Lẽ ra, các công trình này đã phải được đầu tư nâng cấp, nhưng vì thiếu kinh phí nên phải gác lại.
Một điều đáng lo khác là trên toàn tuyến đê Khu Đông hiện có trên 1.600 ngôi nhà của người dân xây dựng sát mặt đê, xâm phạm hành lang tuyến đê, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Chỉ tính riêng trên địa bàn các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng của huyện Tuy Phước, dọc theo tuyến đê Đông hiện có 1.400 hộ dân xây dựng nhà vi phạm hành lang tuyến đê. Một số đoạn đê, sau khi được đầu tư nâng cấp, người dân đã lén lút san lấp, cơi nới mặt bằng để xây cất nhà trái phép, vi phạm chỉ giới hành lang tuyến đê, nhưng ngành chức năng tại địa phương lại thiếu các biện pháp xử lý kiên quyết. Việc xây dựng nhà ở trái phép trên hành lang tuyến đê đã dẫn đến nhiều hệ lụy rất đáng quan ngại. Các hộ dân đã tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông trên thân đê làm sạt lở, gây nguy cơ vỡ đê mỗi khi có mưa lũ lớn xảy ra.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng đáng được quan tâm là tình trạng khai thác cát ven đê Khu Đông có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, gây tình trạng sạt lở đê và nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Tình trạng khai thác cát trái phép đã xảy ra khá phổ biến trên vùng hạ lưu của sông Đại An thuộc địa bàn các xã Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Thắng (Phù Cát) đã ảnh hưởng gây sạt lở đối với hệ thống đê Khu Đông. Thời gian qua, tuy chính quyền các địa phương đã quyết liệt ngăn chặn tình trạng này, nhưng việc khai thác cát vẫn còn âm ỉ xảy ra…
|
Tràn xả lũ Dương Thiện thuộc xã Phước Sơn (Tuy Phước) vừa được sửa chữa, nâng cấp. |
Chủ động các phương án bảo vệ an toàn tuyến đê
Trong các năm trước đây, Dự án nâng cấp 6 km đê Khu Đông do Tổ chức Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và Chính phủ các nước Hà Lan, Luxembourg tài trợ, với tổng kinh phí trên 1,7 triệu USD, trong đó kinh phí xây dựng trên 1,2 triệu USD, đã được thi công hoàn chỉnh. 3 tuyến đê xung yếu: Nhơn Phú trên 1,2 km; Nhơn Bình 1 km; Phước Thắng - Cát Chánh 3,8 km đã được nâng cấp, lát bê tông dày 25 cm cả 3 mặt, chiều rộng mặt đê là 5 m để kết hợp giao thông nông thôn. |
Để chủ động PCLB, đảm bảo an toàn cho toàn tuyến đê, hàng năm, Chi cục TLĐĐ-PCLB đã lên phương án sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình xung yếu trên toàn tuyến đê Khu Đông. Ông Phan Xuân Hải cho biết: Năm nay, số vốn được phân bổ để sửa chữa, nâng cấp đê Khu Đông là 3,2 tỉ đồng, gồm nguồn hỗ trợ của Bộ NN-PTNT 2 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 1,2 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí trên, Chi cục đã và đang triển khai sửa chữa, nâng cấp các hạng mục xung yếu trên toàn tuyến đê. Cụ thể: nâng cấp tuyến đê Nhơn Bình dài 400 m; sửa chữa các cống thoát nước Đồng Chòi thuộc xã Phước Sơn; cống Ông Thiên thuộc xã Phước Hòa, cống Mỹ Trung, xã Phước Thắng; sửa chữa thường xuyên các hạng mục nhỏ trên toàn tuyến đê…
Trong những ngày này, trên suốt chiều dài của tuyến đê Khu Đông, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ, chạy đua với thời gian để đảm bảo hoàn thành vượt lũ. Tại công trình sửa chữa, nâng cấp đê Nhơn Bình, các hạng mục dưới sâu như xếp đá chân kè, xây chân khay, lát mái ta-luy… đều đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đến 31.8 này công trình sẽ cơ bản vượt lũ. Ngoài ra, các hạng mục quan trọng khác như: sửa chữa, nâng cấp cống Ông Thiên, cống Mỹ Trung, cống Đồng Chòi, sửa chữa nhỏ toàn tuyến đê… cũng đã được các đơn vị thi công chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vượt lũ và đưa vào sử dụng trước khi mùa mưa lũ đến…
Bên cạnh đó, Chi cục TLĐĐ-PCLB tỉnh cũng đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh lập Dự án nâng cấp tuyến đê Khu Đông thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn; trong đó, kinh phí để sửa chữa, nâng cấp tuyến đê Khu Đông từ năm 2013-2015 trên 300 tỉ đồng, nhằm sửa chữa kiên cố 30 km đê. Hiện nay, Dự án nâng cấp đê Khu Đông đang được các cơ quan chức năng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới…
|