Giao lưu trực tuyến với nhân dân:
Góp phần hoàn thiện công tác quản lý đất đai
20:54', 28/8/ 2012 (GMT+7)

BTC đang tổng hợp và trả lời câu hỏi của các tổ chức, đơn vị và nhân dân về vấn đề ĐĐ tại Hội nghị GLTT.

Mới đây, Sở TN-MT và Sở TT-TT đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao lưu trực tuyến (GLTT) trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) UBND tỉnh với chủ đề quản lý đất đai (QLĐĐ). Qua hội nghị, các tổ chức, đơn vị, nhất là người dân trên địa bàn có điều kiện nêu lên những ý kiến thắc mắc về lĩnh vực ĐĐ, và được cơ quan chức năng giải đáp cụ thể.

Đất đai luôn “nóng”

Chỉ hơn 30 phút sau khi Hội nghị khai mạc, đã có hàng chục câu hỏi, ý kiến thắc mắc của các tổ chức, đơn vị, cá nhân được gửi đến. Bên cạnh những vấn đề về QLĐĐ, về Luật ĐĐ năm 2003 và các văn bản pháp quy (Thông tư, chỉ thị, nghị định của Chính phủ, Bộ TN-MT, các bộ, ngành chức năng và UBND tỉnh), người dân còn quan tâm đến nhiều vấn đề, như: quy định về giao đất, cấp đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ); quy định về chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư…

Có thể đơn cử một số câu hỏi, ý kiến, như: “Người dân có được quyền ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hay không? Cơ quan hành chính cấp nào thực hiện?”, “Quy chế xét giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2011 và những năm gần đây như thế nào?”, “Đề nghị Sở TN-MT hướng dẫn cách xác định nguồn gốc đất khai hoang và đất lấn, chiếm?”, “Tôi có nghe thông tin rằng người dân được phép chuyển đổi khoảng 140m2 đất nông nghiệp sang đất thổ cư. Vậy cụ thể chủ trương đó là gì, công văn nào nói về việc đó; quy trình, thủ tục, kinh phí chuyển đổi như thế nào?”...

Một hộ gia đình khác hỏi: “Tôi được UBND xã giao 100m2 đất ở từ năm 2000 và chưa được cấp GCN QSDĐ. Đến năm 2002, tôi xây dựng nhà ở với diện tích 130m2, và có xây lấn ra đất gò 30m2… Vậy, bây giờ tôi có thể đề nghị cấp có thẩm quyền cấp GCN QSDĐ cho 100m2 mà xã đã giao cho tôi năm 2000 được không và có thể cấp sổ đỏ cho 130m2 luôn không?”.

Một số hộ dân ở đội 2 Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân), hỏi: “Chúng tôi sống tại đây từ xưa tới giờ. Từ năm 1993 đã có Luật ĐĐ rõ ràng nhưng tới nay chính quyền địa phương không cấp sổ đỏ cho chúng tôi. Khi hỏi chính quyền thì chúng tôi được trả lời là “từ từ giải quyết”. Trong khi những hộ khác ở khu vực này đã nhận sổ đỏ, vậy vì lý do gì một số hộ lại không được cấp sổ đỏ?”…

Một số ý kiến thẳng thắn đề cập đến những vấn đề ĐĐ nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận: “Tôi thấy hiện tượng thông thầu trong đấu giá QSDĐ ở diễn ra rất phổ biến tại hầu hết các phiên đấu giá, làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vậy, với trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước về ĐĐ trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT có những giải pháp gì để ngăn chặn hiện tượng này, nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu giá QSDĐ?”, “Tại sao khu vực 5 phường Nhơn Phú có rất nhiều nhà xây dựng trái phép nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy các cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm? Hay là tất cả đều được hợp thức hóa theo Quyết định 15 hết rồi?”…

Cần duy trì GLTT với nhân dân

Tại Hội nghị GLTT, tùy theo nội dung, tính chất của câu hỏi, Sở TN-MT đã giao cho các bộ phận chức năng trực tiếp trả lời, giải đáp. Có khá nhiều câu trả lời khá cụ thể, đúng trọng tâm… Chẳng hạn, với câu hỏi “Người dân có được quyền ghi nợ tiền SDĐ theo quy định của pháp luật hay không và cơ quan hành chính cấp nào thực hiện?”, Sở TN-MT đã trả lời: “Về nợ tiền SDĐ, tại Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 14.9.2011 của UBND tỉnh quy định: Các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách đang ở trên thửa đất lấn chiếm, thửa đất được giao không đúng thẩm quyền mà không có chỗ ở hợp pháp nào khác trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, khi xem xét hợp thức hóa, cấp GCN QSDĐ, nếu có đơn ghi nợ tiền SDĐ thì được ghi nợ tiền SDĐ”.  

Về ý kiến của một số hộ dân ở đội 2 Kim Sơn- Ân Nghĩa, theo Sở TN-MT, việc cấp GCN QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Vì vậy, các hộ dân nói trên cần liên hệ với UBND huyện Hoài Ân để được trả lời cụ thể.

Về hiện tượng “thông thầu” trong đấu giá QSDĐ ở mà người dân phản ảnh, Sở TN-MT trả lời: Đối với quỹ đất ở do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý thì UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập Hội đồng đấu giá cấp huyện, thành phố thực hiện; với quỹ đất ở do cấp tỉnh quản lý thì UBND tỉnh giao Hội đồng đấu giá QSDĐ do cấp tỉnh thành lập. Trong đó, thường trực hội đồng là Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh. Cụ thể, việc tổ chức đấu giá QSDĐ ở cấp tỉnh do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện. Đồng thời, Sở TN-MT cũng cung cấp thêm thông tin: UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu quy chế đấu giá QSDĐ trên cơ sở Thông tư số 48/2012/TT-BTC ngày 16.3.2012 để đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi quy chế đấu giá QSDĐ, đảm bảo việc đấu giá QSDĐ ngày càng công khai, minh bạch….

Đối với những sai phạm trong quản lý và sử dụng ĐĐ ở phường Nhơn Phú, theo Sở TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh  đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân có vi phạm. Đối với những trường hợp chưa đủ yếu tố xử lý hình sự thì báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo xử lý và khắc phục hậu quả. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn và các ngành chức năng rà soát việc xử lý, thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý kết quả thanh tra công tác quản lý SDĐĐ tại phường Nhơn Phú…

Có thể nói, mặc dù mới tổ chức lần đầu tiên, song Hội nghị GLTT về chủ đề QLĐĐ thông qua Cổng TTĐT của UBND tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, ngành chức năng của tỉnh nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc xung quanh vấn đề ĐĐ; đồng thời phần nào đánh giá được thực trạng công tác QLĐĐ ở địa phương, cơ sở. Ngược lại, các tổ chức, đơn vị và người dân cũng được cơ quan chức năng trả lời những thắc mắc trong lĩnh vực ĐĐ.

Theo ông Đặng Trung Thành, Phó Giám đốc Sở TN-MT: Vì là lần đầu tiên tổ chức GLTT nên Ban tổ chức (BTC) cũng còn bỡ ngỡ. Đồng thời, lực lượng cán bộ, chuyên viên tham gia chương trình hơi mỏng, trong khi ý kiến gửi đến khá nhiều nên BTC không thể trả lời hết các câu hỏi. Bên cạnh đó, ĐĐ là vấn đề hết sức “nhạy cảm”, với khá nhiều nội dung, muốn trả lời cho người dân một cách cụ thể, xác đáng, BTC cần phải có thời gian để tra cứu các văn bản pháp quy. Song, có thể khẳng định, Hội nghị GLTT về chủ đề QLĐĐ đã đạt kết quả khả quan; qua đó sẽ góp phần hoàn thiện hơn công tác QLĐĐ trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, hình thức GLTT với nhân dân rất nên được duy trì.

  • VIẾT HIỀN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm  (28/08/2012)
Đảm bảo đủ cây giống để trồng 10.050 ha rừng tập trung  (28/08/2012)
Thị trường hàng hóa tiêu dùng khá bình ổn   (27/08/2012)
VN-Index lại giảm mạnh phiên đầu tuần  (27/08/2012)
Tăng cường phòng chống lụt bão cho đê Khu Đông  (27/08/2012)
Một tàu vận tải bị chìm trên biển  (27/08/2012)
Còn 1.350 hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm  (27/08/2012)
Giải ngân gần 20 tỉ đồng hỗ trợ các tàu cá khai thác xa bờ  (27/08/2012)
Xóa tan "ảo vọng" đầu cơ vàng  (27/08/2012)
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp  (27/08/2012)
Nỗ lực về đích năm 2015  (26/08/2012)
Cần đảm bảo lợi ích của người trồng mía  (26/08/2012)
Bình Định được chọn đóng mới tàu vỏ sắt cho đội tàu câu cá ngừ đại dương  (26/08/2012)
Triển khai chương trình “Tự hào hàng Việt 2012”  (26/08/2012)
Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt do cộng đồng quản lý kém hiệu quả  (26/08/2012)