|
Thi công kiên cố hóa kênh mương ở xã Nhơn Lộc. Ảnh: Nguyễn Hân |
Xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) là một trong 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh. Đến nay, xã Nhơn Lộc đã đạt 13/19 tiêu chí NTM; phấn đấu đến hết năm 2012 đạt 16/19 tiêu chí, và đến năm 2015 đạt 19/19 tiêu chí…
Sau một năm triển khai XDNTM ở địa phương, Ban chỉ đạo XDNTM xã Nhơn Lộc đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức thực hiện, nhất là việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, phát động sản xuất và vận động cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp XDNTM.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo XDNTM xã Nhơn Lộc: Để XDNTM thành công, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải đồng lòng vào cuộc; triển khai thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, nhưng không nóng vội, vì đây là chương trình lâu dài, đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng lực. Trong tổ chức thực hiện cần phân công nhiệm vụ cụ thể từng bộ phận, từng thành viên; nắm bắt tình hình, đặc điểm, đời sống nhân dân một cách xác thực; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng của tỉnh, huyện giúp cho việc xây dựng đề án, kế hoạch chi tiết, cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều kiện dân trí và các yếu tố kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện đạt hiệu quả cao.
Phải làm cho người dân hiểu rõ XDNTM do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân làm chủ; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phần lớn người dân Nhơn Lộc xem việc XDNTM là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao hơn, nên cùng chung tay góp sức thực hiện.
Phải quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ xã, thôn trực tiếp thực hiện mô hình; nâng cao vai trò của các đoàn thể, Ban phát triển thôn và đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn của xã. Cần tập huấn, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức cơ bản về XDNTM cho đội ngũ cán bộ xã, thôn.
Quá trình thực hiện XDNTM phải dựa vào Bộ tiêu chí quốc gia để định hướng hành động, và là thước đo để đánh giá kết quả. Căn cứ vào đặc điểm, lợi thế của địa phương và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung làm trước, làm sau; tạo điều kiện cho mỗi thôn xác định nhu cầu thiết thực; việc phân bổ nguồn lực cũng ưu tiên cho các nhu cầu thiết thực này. Chọn mỗi thôn làm điểm một mô hình, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng…
Cần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để XDNTM theo phương châm: “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Cần để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong mọi hoạt động của chương trình suốt tiến trình XDNTM. Cần có những cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả. Gắn chặt nhiệm vụ XDNTM với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; kết hợp hài hòa giữa đầu tư xây dựng kinh tế và văn hóa với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư; kết hợp vận dụng hài hòa các nguồn vốn. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch…
Điều quan trọng nhất là phải có sự thống nhất, đoàn kết và tinh thần trách nhiệm cao trong toàn hệ thống chính trị ở xã.
|