Nguồn hỗ trợ từ Quỹ phát triển KHCN quốc gia:
Doanh nghiệp chưa mặn mà
17:32', 29/8/ 2012 (GMT+7)

Quỹ phát triển khoa học công nghệ (KHCN) quốc gia chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3.2008. Đến nay, Quỹ này đã hỗ trợ cho rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) cả nước trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, rất ít các đơn vị nghiên cứu khoa học, đặc biệt là DN, quan tâm đến nguồn vốn vay này.

Đầu tư cho KHCN là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa. Nhà nước ta đã từng bước ban hành nhiều chính sách nhằm đổi mới cơ chế quản lý KHCN và sự ra đời của Quỹ phát triển KHCN quốc gia góp phần đa dạng hóa nguồn đầu tư cho KHCN, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong hoạt động khoa học, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ.

 
Các DN trong tỉnh vẫn chưa quan tâm đến nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ phát triển KHCN quốc gia để thực hiện và phát triển các nghiên cứu khoa học.
- Trong ảnh: Cán bộ nghiên cứu của Tổng Công ty Dược-Trang thiết bị y tế đang làm việc. Ảnh: M.H

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vốn được cấp khi thành lập là 200 tỉ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học và được bổ sung hàng năm để đảm bảo vốn hoạt động của Quỹ ít nhất bằng 200 tỉ đồng. Quỹ tài trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN do các tổ chức, cá nhân đề xuất, bao gồm: nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, nhiệm vụ KHCN đột xuất mới phát sinh có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ KHCN có triển vọng nhưng có tính rủi ro; xuất bản công trình KHCN; tài trợ cho các dự án sản xuất thử nghiệm không nằm trong kế hoạch phát triển KHCN Nhà nước; tài trợ không thu hồi không quá 30% kinh phí cho DN thực hiện các nhiệm vụ KHCN thuộc hướng KHCN ưu tiên của Nhà nước; cho vay không lấy lãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Cho vay với mức lãi suất thấp đối với các dự án đổi mới công nghệ, chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Quỹ còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng cường hợp tác nghiên cứu trong khoa học thông qua việc tài trợ cho các nhà khoa học tham gia vào các hội nghị, hội thảo khoa học và các chương trình hợp tác giữa các quỹ khoa học của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phạm vi cho vay của Quỹ đã “phủ sóng” cả nước, tuy nhiên, đến nay, các đơn vị trong tỉnh hầu như vẫn chưa quan tâm đến nguồn vốn vay ưu đãi này. Ông Võ Ngọc Anh, Giám đốc Quỹ phát triển KHCN Bình Định, cho biết: “Cùng với Quỹ phát triển KHCN của từng địa phương, Quỹ phát triển KHCN quốc gia góp phần làm đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động KHCN, tạo các ưu đãi tín dụng cho các tổ chức, cá nhân, giúp họ có thể vay vốn với lãi suất thấp để thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; từng bước loại bỏ rào cản đối với tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm KHCN... Hiện nay, ở tỉnh ta, chỉ Trường Đại học Quy Nhơn là đơn vị có rất nhiều đề tài, dự án được hỗ trợ từ Quỹ phát triển KHCN quốc gia, còn những đơn vị khác, nhất là các DN trong tỉnh đều chưa mặn mà với nguồn vốn vay này. Sắp tới, chúng tôi đang giúp 2 DN trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn Quỹ phát triển KHCN quốc gia để đầu tư phát triển sản phẩm công nghệ”.

Hiện nay, Quỹ phát triển KHCN quốc gia đang triển khai chương trình cho vay vốn để thực hiện các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do các tổ chức KHCN, DN, cá nhân đề xuất thực hiện từ năm 2012. Theo đó, mức cho vay một dự án tối đa là 70% tổng mức đầu tư của dự án. Quỹ hỗ trợ tài chính (cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp) cho các tổ chức KHCN, DN, cá nhân nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực KHCN để ứng dụng kết quả nghiên cứu được tạo ra trong nước, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

  • MAI HỒNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tuy Phước: Triển khai công tác phòng chống lụt bão  (29/08/2012)
Kinh nghiệm XDNTM ở Nhơn Lộc  (28/08/2012)
Góp phần hoàn thiện công tác quản lý đất đai  (28/08/2012)
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm  (28/08/2012)
Đảm bảo đủ cây giống để trồng 10.050 ha rừng tập trung  (28/08/2012)
Thị trường hàng hóa tiêu dùng khá bình ổn   (27/08/2012)
VN-Index lại giảm mạnh phiên đầu tuần  (27/08/2012)
Tăng cường phòng chống lụt bão cho đê Khu Đông  (27/08/2012)
Một tàu vận tải bị chìm trên biển  (27/08/2012)
Còn 1.350 hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm  (27/08/2012)
Giải ngân gần 20 tỉ đồng hỗ trợ các tàu cá khai thác xa bờ  (27/08/2012)
Xóa tan "ảo vọng" đầu cơ vàng  (27/08/2012)
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp  (27/08/2012)
Nỗ lực về đích năm 2015  (26/08/2012)
Cần đảm bảo lợi ích của người trồng mía  (26/08/2012)