Vài năm nay, sau mỗi đợt mưa lớn, nhiều khu vực nội thành Quy Nhơn thường bị ngập, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Liệu mùa mưa năm nay tình trạng trên có còn xảy ra? PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đặng Đình Lân, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Định (Công ty CTN), về giải pháp chống ngập úng cho nội thành Quy Nhơn.
Trước đây, Công ty CTN chỉ thực hiện nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho TP Quy Nhơn. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh giao thêm cho đơn vị này nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước và xử lý tình trạng ngập úng ở khu vực nội thành TP Quy Nhơn. Công ty CTN hiện quản lý 104 km đường có hệ thống ống cống, mương thoát nước và 2.700 hố ga.
● Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng hệ thống thoát nước ở nội thành Quy Nhơn?
- Phần lớn hệ thống đường cống thoát nước ở Quy Nhơn được xây dựng từ lâu, tuy nhiều lần được nâng cấp, sửa chữa song không đồng bộ, qua thời gian sử dụng đến nay nhiều đoạn đã bị hư hỏng, rác thải và bùn đất bồi lấp nhiều nên khi gặp mưa lớn không tiêu thoát kịp.
|
Lắp đặt cống thoát nước trên đường Nguyễn Đình Thụ thuộc địa bàn phường Nguyễn Văn Cừ. |
Ngoài ra, việc quy hoạch hệ thống thoát nước của TP Quy Nhơn hiện còn nhiều bất cập, một số người dân lấn chiếm đường phân lũ để xây nhà trái phép, nhiều hộ vứt rác trước miệng cống; lấy gạch, đá bịt cống thu nước, nên khi có mưa lớn nước không có đường thoát, gây hư hỏng nhiều công trình của Nhà nước và nhân dân. Khi xảy ra mưa lớn, nhiều tuyến đường ở nội thành Quy Nhơn thường bị ngập, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông.
Nhằm khắc phục tình trạng ngập úng, tỉnh ta đã xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa và thu gom nước thải thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Sau khi xây dựng hoàn thành một số hạng mục, đầu năm 2012, Ban quản lý Dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn đã bàn giao cho Công ty quản lý 200 hố ga và hệ thống cống hộp thoát nước mưa tại các tuyến đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trãi, Lý Thái Tổ, Trần Phú, Hai Bà Trưng… với tổng chiều dài 5 km; mạng đường ống cấp 3 tại các phường Trần Phú, Lê Lợi dài khoảng 7 km. Ngoài ra, từ năm 2009-2010, Công ty cũng đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình thoát nước mưa, lắp đặt thêm 200 hố ga trên nhiều tuyến đường nội thành. Nhờ vậy, đã hạn chế được tình trạng ngập úng ở nhiều tuyến đường.
● Thưa ông, mùa mưa năm nay, những khu vực nào ở nội thành Quy Nhơn vẫn còn được xem là “trọng điểm” ngập?
- Qua theo dõi chúng tôi thấy, mỗi khi xảy ra mưa lũ lớn, nhiều tuyến đường ở nội thành Quy Nhơn thường bị ngập nước. Cụ thể: khu vực Hóc Bà Bếp, khu vực đường Hùng Vương gồm các đoạn: trước Trường Cao đẳng Bình Định; đoạn ngã ba đường Võ Thị Sáu và đoạn ngã ba Phú Tài. Ngoài ra, còn có một số điểm thuộc phường Đống Đa, Nhơn Bình và Nhơn Phú… cũng có khả năng bị ngập nặng. Nguyên nhân là do hệ thống cống thoát nước mưa, thu gom nước thải và một số hạng mục công trình khác tại các khu vực nói trên chưa hoàn chỉnh, hạn chế nước mưa tiêu thoát. Mặt khác, cao độ mặt đất tự nhiên tại các tuyến đường nói trên tương đối thấp và không đồng bộ, khi mưa lớn xảy ra đúng thời điểm thủy triều dâng cao làm ngập các miệng xả, nên nước rút không kịp, gây ngập cục bộ. Năm 2013, Công ty sẽ cố gắng khắc phục tình trạng ngập úng tại các khu vực nói trên.
● Công ty đã triển khai các giải pháp gì để chống ngập cho nội thành Quy Nhơn trong mùa mưa lũ năm nay, thưa ông?
- Vài năm qua, bên cạnh công tác cấp nước, Công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các tuyến đường ống cống và nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước nội thành Quy Nhơn nhằm tiêu thoát nước, hạn chế ngập úng. Riêng năm 2012, Công ty đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng đường cống thoát nước tại 23 tuyến đường nội thành và sửa chữa các tuyến mương, hố ga đã bị hư hỏng xuống cấp; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện nạo vét các cửa thu nước, hố ga và tháo dỡ các vật dụng chèn lấp hố ga, khơi thông các cửa xả và hút bùn, cát, rác thải trong các đường ống cống.
Từ đầu năm đến nay, Công ty đã nạo vét được 2.272 m3 đất cát và rác thải trong hệ thống cống thoát nước tại 34 tuyến đường xung yếu thường hay bị ngập nước. Công ty cũng đã củng cố Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và thành lập các đội PCLB, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban, trong đội triển khai thực hiện phương án PCLB. Khi xảy ra bão lũ, chúng tôi sẽ huy động lực lượng, phương tiện, khơi thông các dòng chảy tại các miệng hố ga để thoát nước, hạn chế ngập và khắc phục sự cố trong và sau mưa lũ.
Qua kiểm tra tại các khu vực có nhiều tuyến đường được xem là “trọng điểm ngập” ở nội thành Quy Nhơn, chúng tôi thấy vẫn còn có nhiều người dân thường hay xả rác thải và dùng đủ mọi vật liệu để lấp các cửa thu nước. Khi xảy ra mưa lớn, người dân không tháo dỡ các vật cản, nước mưa không thoát được đã gây ngập úng nhiều tuyến đường. Bởi vậy, để hạn chế tình trạng ngập nước trong mùa mưa ở nội thành Quy Nhơn, bên cạnh sự nỗ lực của Công ty, đề nghị UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo các phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không gom rác thải để trên các miệng hố ga và các cửa thu nước trên các tuyến đường, không dùng các loại vật liệu che bít các miệng hố ga, nhất là tại các tuyến đường lâu nay thường hay bị ngập...
● Xin cảm ơn ông!
|