Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT:
Ý thức phòng chống DCGC của người chăn nuôi chưa cao
20:14', 30/8/ 2012 (GMT+7)

Hiện nay, dịch cúm gia cầm (DCGC) đã tái phát tại 6 tỉnh, thành trong cả nước và đang có nguy cơ lan rộng; riêng tại khu vực miền Trung, DCGC đã bùng phát tại tỉnh Quảng Ngãi và đang xuất hiện tình trạng gia cầm chết không rõ nguyên nhân tại Phú Yên. Trước nguy cơ DCGC có khả năng lây lan đến Bình Định, PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, về công tác phòng chống DCGC ở tỉnh ta.

 

Lực lượng thú y phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại chăn nuôi tại một gia trại ở xã Cát Hanh - Phù Cát.

 

* Xin ông cho biết tỉnh ta đã tăng cường công tác phòng chống DCGC trên địa bàn tỉnh như thế nào?

- Thời gian qua, phong trào khôi phục chăn nuôi đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh với tổng đàn gia cầm gần 7 triệu con. Trước tình hình DCGC đang có dấu hiệu bùng phát, lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh lân cận với tỉnh ta; thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đề nghị tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. UBND các địa phương chỉ đạo cấp cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi ý thức cao trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm; thường xuyên giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) ở địa phương mình để kịp thời có biện pháp đối phó khi xảy ra dịch. Ban Chỉ đạo phòng chống DCGC cũng đã phát động đợt tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống DCGC với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, coi đây là biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng, tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ GSGC, các khu vực buôn bán GSGC sống, vùng có ổ dịch cũ và các nơi công cộng… Sở NN-PTNT cũng đã triển khai công tác phòng chống dịch đến tất cả các trưởng trạm thú y huyện; đề nghị các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục để hội viên, đoàn viên có nhận thức đúng về công tác phòng chống DCGC và tích cực tham gia. Ngoài ra, các tổ kiểm dịch của Sở cũng đã thường xuyên kiểm tra việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Đội cơ động phòng chống DCGC của Chi cục Thú y luôn túc trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ…

* Theo ông, điều đáng lo ngại nhất trong công tác phòng chống DCGC hiện nay là gì?

- Đáng lo ngại nhất là sau một thời gian dài dịch bệnh được khống chế, người dân và các cấp, các ngành đã bắt đầu chủ quan, lơ là, không quyết liệt phòng chống dịch. Tại một số địa phương, mặc dù được ngành chức năng liên tục cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh xảy ra, nhưng ý thức phòng chống DCGC của nhiều hộ gia đình rất kém, không phối hợp với cơ quan chức năng để chủ động phòng chống dịch.

Việc chăn nuôi vịt thả rông trên các dòng sông, đưa vịt chạy đồng để tìm thức ăn; buôn bán, giết mổ GSGC không tuân thủ các quy định an toàn dịch bệnh còn xảy ra, và nguy hiểm nhất là tình hình buôn bán gia cầm sống chưa được kiểm soát chặt chẽ… là nguyên nhân có thể làm cho DCGC tái phát. Ngoài ra, hiện nay còn một khó khăn khác trong việc phòng chống dịch là Nhà nước không còn hỗ trợ, bao cấp vắc xin tiêm phòng DCGC như thời gian trước đây. Các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi phải tự chi kinh phí để mua vắc xin phòng chống dịch, nên đàn gia cầm ở tỉnh ta chưa được tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình, đây cũng là nguy cơ cao để dịch bệnh có thể xảy ra…

* Trước tình hình DCGC đang có chiều hướng lan rộng, ngành NN-PTNT tỉnh sẽ làm gì để bảo vệ an toàn đàn gia cầm, không để dịch bệnh tái phát, thưa ông?

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống DCGC, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thú y cử cán bộ kiểm dịch phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm dịch 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường ra vào tỉnh để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Nếu phát hiện các đối tượng vận chuyển gia cầm sống và các sản phẩm từ gia cầm từ các địa phương khác ra vào tỉnh mà không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y, thì ngành chức năng sẽ tổ chức tiêu hủy ngay và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã thành lập các tổ công tác giám sát dịch bệnh, phân công trách nhiệm từng thành viên phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc phòng, chống DCGC trên địa bàn. Cơ quan chức năng cũng đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tích cực thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống chăn nuôi phải đảm bảo có nguồn gốc và hợp tác với cơ quan thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức người chăn nuôi, ngăn chặn các hành vi vứt xác gia cầm chết bừa bãi làm dịch bệnh lây lan, gây ô nhiễm môi trường. Hàng tuần, lực lượng thú y toàn tỉnh phối hợp với lãnh đạo các địa phương, các chủ trang trại, gia trại tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại, cơ sở chăn nuôi, các chợ đầu mối, các ổ dịch cũ nhằm tiêu diệt mầm bệnh phát sinh…

Đồng thời, lực lượng thú y của tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện triển khai công tác tiêm phòng vắc xin đợt 2.2012 cho đàn GSGC trên địa bàn toàn tỉnh; dự kiến kế hoạch tiêm phòng đại trà sẽ bắt đầu vào đầu tháng 9 tới…

* Xin cảm ơn ông!

  • N. HÂN (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai nhiều biện pháp chống ngập ở nội thành Quy Nhơn  (29/08/2012)
Tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm tại các chốt kiểm dịch  (29/08/2012)
Doanh nghiệp chưa mặn mà  (29/08/2012)
Tuy Phước: Triển khai công tác phòng chống lụt bão  (29/08/2012)
Kinh nghiệm XDNTM ở Nhơn Lộc  (28/08/2012)
Góp phần hoàn thiện công tác quản lý đất đai  (28/08/2012)
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm  (28/08/2012)
Đảm bảo đủ cây giống để trồng 10.050 ha rừng tập trung  (28/08/2012)
Thị trường hàng hóa tiêu dùng khá bình ổn   (27/08/2012)
VN-Index lại giảm mạnh phiên đầu tuần  (27/08/2012)
Tăng cường phòng chống lụt bão cho đê Khu Đông  (27/08/2012)
Một tàu vận tải bị chìm trên biển  (27/08/2012)
Còn 1.350 hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm  (27/08/2012)
Giải ngân gần 20 tỉ đồng hỗ trợ các tàu cá khai thác xa bờ  (27/08/2012)
Xóa tan "ảo vọng" đầu cơ vàng  (27/08/2012)