Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, những năm gần đây, huyện Phù Cát đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông phổ biến kỹ thuật canh tác, sử dụng giống lúa mới… đạt hiệu quả thiết thực.
|
Nông dân tham quan mô hình giảm mật độ sạ bằng công cụ sạ hàng với giống Syn6 ở xã Hòa Tân - Phù Cát. Ảnh: H.T
|
Vụ Thu năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh, huyện Phù Cát đã triển khai mô hình giảm mật độ sạ bằng công cụ sạ hàng, trên diện tích 2 ha, bằng giống lúa lai Syn6, tại thôn Hoà Dõng, xã Cát Tân, thuộc chân ruộng sản xuất 2 vụ/năm, có 20 hộ nông dân tham gia thực hiện.
Trong quá trình sản xuất, nông dân đã thực hiện theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, từ khâu làm đất, xử lý hạt giống, ngâm ủ, gieo sạ bằng công cụ sạ hàng, đến chế độ đầu tư phân bón thâm canh và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Mật độ sạ hàng 2 kg giống/sào, thấp hơn ruộng đối chứng sạ hàng bằng giống VĐ8 3kg/sào, và thấp hơn ruộng nông dân sạ lan 4kg/sào.
Kết quả cho thấy, giống lúa Syn6 có thời gian sinh trưởng ở vụ Thu là 100 ngày, cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, chịu thâm canh cao, sinh trưởng và phát triển cân đối, ít sâu bệnh, hạn chế đổ ngã, chất lượng gạo thơm ngon, năng suất đạt bình quân 73 -75 tạ/ha, cao hơn 17,5 tạ/ha so với ruộng đối chứng sạ giống VĐ8, và cao hơn 20,2 tạ/ha so với ruộng nông dân sạ lan, trên cùng chân đất và điều kiện, mức độ thâm canh. Theo tính toán với giá bán hiện tại 5.000 đồng/kg, mỗi hecta sản xuất giống lúa lai Syn6 cho thu nhập hơn 36,8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 15,5 triệu đồng, cao hơn gần 5 triệu đồng so với sản xuất giống lúa thuần VĐ8, và cao gấp 2,3 lần so với mức bình quân của ruộng sạ lan.
Ông Nguyễn Như Linh, nông dân ở xã Cát Tân, tham gia thực hiện mô hình nói trên, cho biết: Từ trước đến nay bà con chúng tôi chỉ sạ lan chứ không sạ hàng. Nay làm theo phương pháp sạ hàng, thấy hiệu quả là lợi về giống, hạn chế sâu bệnh, và năng suất cao hơn. Sạ hàng bằng giống lúa lai Syn6 năng suất rất cao, nhưng giá giống lúa lai Syn6 quá cao, gần 100 ngàn đồng/kg, rất khó mở rộng diện tích…
Hầu hết nông dân tham gia mô hình đều nhận xét: Với cách làm này đã giảm lượng giống đáng kể. Đối với giống lúa lai giảm được 10 kg/ha, lúa thuần giảm được 20 - 40kg/ha, tiết kiệm được giống, thuận tiện trong chăm sóc, bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, lúa cứng cây hơn, hạn chế đổ ngã, ruộng thông thoáng, ít sâu bệnh, tiết kiệm được phân bón, thuốc trừ sâu, năng suất lúa tăng cao, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất. Để giống lúa lai Syn6 phát huy hết tìm năng về năng suất và những ưu điểm vượt trội cần phải bảo đảm về mật độ sạ thưa hợp lý và chế độ chăm sóc, bón phân cân đối.
Theo ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát: Áp dụng giảm mật độ sạ bằng công cụ sạ hàng với giống Syn6 cho kết quả rất đáng phấn khởi, bà con nông dân sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng trong vụ Đông Xuân đến.
Huyện Phù Cát có diện tích ruộng sản xuất lúa hàng năm khoảng 16.500 ha đến 17.000 ha, việc áp dụng sạ thưa hợp lý bằng công cụ sạ hàng sẽ giảm được lượng giống đáng kể, đồng thời giảm được chi phí nhờ giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Mặt khác, đưa vào sản xuất bằng các giống lúa lai có thời gian sinh trưởng trung ngày, năng suất cao và chất lượng gạo tốt như giống lúa lai Syn6 là rất cần thiết, vì nó không chỉ bảo đảm về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, mà còn đáp ứng được yêu cầu thời vụ sản xuất trong năm. Chính vì vậy, huyện Phù Cát tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật và vận động nông dân mở rộng diện tích ứng dụng mô hình này trong thời gian đến, nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
|