Phát triển các cụm công nghiệp:
Lựa chọn hài hòa và bền vững
21:10', 3/9/ 2012 (GMT+7)

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư và xây dựng các cụm công nghiệp (CNN) trên địa bàn tỉnh.

Kết quả bước đầu

Năm 2003, UBND tỉnh đã tiến hành quy hoạch các CCN ở những địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp. Từ khi có quy hoạch, các địa phương đã nỗ lực xây dựng nhiều CCN, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) vào đầu tư, tạo nhiều việc làm cho lao động tại chỗ và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước… Đến nay, toàn tỉnh có 30 CCN đã triển khai xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, thu hút hơn 800 DN đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký trên 1.800 tỉ đồng.

 

Chế biến gỗ xuất khẩu tại CCN Bình Dương (Phù Mỹ).

Sự hình thành và phát triển các CCN có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Ðặc biệt tại địa bàn nông thôn, CCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: Nếu năm 2005, mới chỉ có khoảng 2.000 lao động làm việc ở các CCN, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp rất nhiều hạn chế…, thì nay đã có 17.000 lao động làm việc ở các CCN (lao động ở khu vực nông thôn chiếm trên 80%), trình độ, tay nghề từng bước nâng lên; thu nhập và đời sống người lao động được cải thiện, với mức thu nhập bình quân hiện nay từ 2,5-2,7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tuy gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng các DN trong CCN vẫn đảm bảo ổn định sản xuất và doanh thu tăng trưởng trên 15% so cùng kỳ.

Một số hạn chế

Sự ra đời của các CCN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, các CCN trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Trước hết, hạ tầng kỹ thuật các CCN còn chắp vá, thiếu đồng bộ. Hầu như hệ thống giao thông nối từ các CCN đến các tuyến giao thông chính chưa được đầu tư xây dựng một cách tương thích. Chẳng hạn, CCN phường Bình Định (thị xã An Nhơn) được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động đã 5 năm, nhưng đến nay hệ thống giao thông nối từ CCN này đến các tuyến giao thông chính gần đó vẫn chưa được xây dựng một cách đồng bộ. Các công trình xử lý ô nhiễm môi trường ở nhiều CCN chưa được đầu tư xây dựng. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 4 CCN đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải một cách tương đối hoàn chỉnh là: Cát Nhơn (Phù Cát), Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), Gò Đá Trắng và Thanh Liêm (An Nhơn).

 

Một góc CCN phường Bình Định - thị xã An Nhơn.

Điều đáng nói là các CCN trong tỉnh được thành lập chưa dựa trên cơ sở nhu cầu và thực tế phát triển kinh tế của từng vùng. Do đó, việc bố trí không gian và ngành nghề sản xuất trong các CCN chưa hợp lý; nhiều dự án bố trí xây dựng không theo quy hoạch chi tiết. Bản chất đặc trưng của CCN là tính liên kết công nghiệp giữa các DN trên cơ sở chuyên môn hóa sâu để tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh, đồng thời tham gia vào một khâu trong chuỗi sản xuất khu vực, toàn cầu về một sản phẩm, một ngành hàng nào đó. Ví dụ như CCN dệt may, CCN chế biến thủy sản... Thế nhưng, thực tế hình thành và phát triển các CCN ở tỉnh ta lại không như vậy mà chỉ đơn thuần là “gom” các DN vào một khu vực sản xuất tập trung với đủ loại các DN, từ cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, đến chế biến lương thực, thực phẩm... Điều này đã làm cho các CCN không phát huy được hiệu quả và càng khó xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường.

Giải pháp phát triển

Theo Quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, số lượng CCN bổ sung mới trong giai đoạn này là 28 cụm, diện tích 791 ha. UBND tỉnh cũng đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 36 CCN được lấp đầy 90-100% diện tích đất cho thuê (kể cả các CCN đã lấp đầy trước năm 2012), thu hút thêm 10.000 lao động có việc làm mới.

Việc quy hoạch và xây dựng thêm các CCN là hướng đi đúng và cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nên rà soát lại các quy hoạch CCN, những địa phương nào có điều kiện thì phát triển, ngược lại thì nên giảm. Không nên quy hoạch tràn lan, vừa lãng phí đất đai, vừa lãng phí nhân lực, vật lực… CCN tập trung nên quy hoạch ở các trung tâm kinh tế của tỉnh, còn các huyện thì quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp, điểm sản xuất công nghiệp tập trung để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho địa phương. Chủ đầu tư các CCN phải chọn nhà thầu hoặc giao cho DN đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng có uy tín, năng lực; kiên quyết xử lý những trường hợp kéo dài thời hạn xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các CCN cũng cần có sự hỗ trợ về kinh phí của tỉnh và Trung ương chứ các địa phương không thể kham nổi. Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: Để xây dựng đồng bộ một CCN, cần một nguồn kinh phí rất lớn đối với các địa phương. Cũng vì điều này mà trong thời gian qua, hạ tầng các CCN chưa được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ. Đối với các CCN sẽ xây dựng trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tranh thủ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn khác để xây dựng đồng bộ hạ tầng trong và ngoài hàng rào CCN, nhất là công trình giao thông, xử lý nước thải, rác thải.

  • NGỌC THÁI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thông xe đường ngang qua đường sắt tại thị xã An Nhơn  (02/09/2012)
Sẽ thành lập “Trạm nổi” tại cửa biển Quy Nhơn để kiểm soát tàu thuyền  (01/09/2012)
Bình Định có nhiều lợi thế để phát triển ngành nghề khai thác, chế biến thủy sản  (31/08/2012)
Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá  (31/08/2012)
Tây Sơn: Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới  (31/08/2012)
Hoài Nhơn: Phát huy thế mạnh kinh tế thủy sản  (31/08/2012)
Nhìn từ đơn vị “tiên phong”  (31/08/2012)
Cả hai chỉ số chứng khoán chủ chốt đều sụt giảm  (31/08/2012)
Khởi sắc Nhơn Mỹ  (31/08/2012)
Xăng bị đóng loại thuế như rượu !?  (31/08/2012)
Hiệu quả từ giống mới, cách làm mới  (30/08/2012)
Ý thức phòng chống DCGC của người chăn nuôi chưa cao  (30/08/2012)
Triển khai nhiều biện pháp chống ngập ở nội thành Quy Nhơn  (29/08/2012)
Tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm tại các chốt kiểm dịch  (29/08/2012)
Doanh nghiệp chưa mặn mà  (29/08/2012)