Sau hai phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tháng Tám đã ghi nhận đà giảm do áp lực bán bắt đầu chuyển sang các mã lớn. Cả VN-Index và HNX-Index kết phiên ngày 31.8 đều ghi nhận mức giảm nhẹ lần lượt là 0,31% và 0,79%.
Chỉ số VN-Index tạm dừng ở mức 396,02 điểm, giảm 1,54% so với thứ 6 tuần trước. Chỉ số HNX-Index tuần này vẫn giữ trên mốc 60 điểm, chốt phiên ở mức 61,43 điểm. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, ngành vốn được xem là tác động đáng kể đến thị trường, hôm 31.8 giảm nhẹ sau khi hồi phục vào ngày hôm trước. Các mã EIB, MBB, ACB, SHB, CTG và VCB… đều quay đầu giảm và STB là mã duy nhất đi ngang.
Trên cả 2 sàn, lực cầu tỏ ra thận trọng hơn và không có một cải thiện đáng kể nào được ghi nhận; thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm nhẹ và vẫn dừng lại ở mức trung bình. Cụ thể, sàn giao dịch TPHCM có 33,3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 505 tỉ đồng được chuyển nhượng trong khi khối lượng giao dịch của sàn Hà Nội là 27,4 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 258 tỉ đồng.
Theo Công ty chứng khoán Kim Eng, phiên điều chỉnh cuối tháng Tám là khó tránh khỏi vì với hai phiên tăng trước đó. Trước thông tin T+3 được áp dụng từ ngày 4.9, phần lớn các nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra giao dịch hạn chế trong tuần qua để chờ đợi cho việc rút ngắn quy trình thanh toán được áp dụng từ tuần sau. Trong khi đó, khối đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng với lượng mua vào lên đến 422 tỉ đồng. Các cổ phiếu giảm mạnh trên sàn hầu hết vẫn thuộc các nhóm ngành như: ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, khai khoáng… Tiếp nối xu thế từ tuần trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất sàn với mức -3,41% sau một tuần. Cổ phiếu BVH là mã giảm đáng chú ý nhất với mức -13,11%.
Tâm lý chung trên thị trường vẫn là khá thận trọng và rụt rè trong việc đặt mua. Trong khi T+3 sẽ bắt đầu được áp dụng vào tuần này, cộng thêm xu hướng thị trường chưa có gì rõ rệt thì phần lớn các nhà đầu tư chọn cách “án binh bất động” hoặc mua vào có tính chất thăm dò. Rõ ràng khi quy trình thanh toán được rút ngắn một ngày sẽ khiến nhà đầu tư chủ động hơn nên bên mua tỏ ra không vội vàng trong tuần này mà chờ đợi T+3 vào tuần này.
Nhận định về diễn biến của thị trường trong tuần mới, phần lớn các công ty chứng khoán đều thiên về khả năng tiêu cực. Theo đó, dù áp lực bán tháo đã chững lại nhưng nhiều thông tin vĩ mô vẫn quay lưng lại với thị trường như giá xăng dầu tăng, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của một số mã “đầu tàu”… Tác động của khối ngoại và T+3 cũng chưa đủ mạnh để vực dậy thị trường trong thời gian này. Nhiều công ty chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư chỉ nên mua vào nếu VN-Index vượt thành công ngưỡng quan trọng 400 điểm.
|