Mới đây, tại TP Quy Nhơn, đã diễn ra lớp đào tạo, hướng dẫn tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) vào kế hoạch phát triển cho các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn PGS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (KHKTTVMT- Bộ TNMT), quanh vấn đề này.
|
Ngành Thủy sản Bình Định là một trong những đơn vị đi tiên phong trong công tác tích hợp vấn đề BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành.
- Trong ảnh: Dự án cải tạo rừng ngập mặn đầm Thị Nại đang được nỗ lực triển khai.
|
* Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tích hợp các vấn đề về BĐKH?
- “Tích hợp vấn đề BĐKH” là một khái niệm mới, được các nhà khoa học nêu lên tại “Hội nghị quốc tế về phát triển bền vững - 2002”. Theo các nhà khoa học, BĐKH đã ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và địa phương. Vì vậy, những hoạt động phát triển nếu không được lồng ghép các vấn đề BĐKH thì rất khó có thể thay đổi trong tương lai để thích ứng với BĐKH. Ngược lại, nếu các biện pháp thích ứng được lồng ghép và thực hiện sớm thì sẽ giảm được tổn thất, nhất là đối với các công trình hạ tầng.
Vì vậy, các nhà khoa học khẳng định: Tích hợp vấn đề BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là một phương pháp tiếp cận khôn ngoan nhằm đạt được các biện pháp ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả, thông qua việc tích hợp các chính sách và biện pháp ứng phó với BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các cấp, nhằm đảm bảo sự ổn định trong các hoạt động đầu tư và giảm thiểu những điều dễ bị tổn thương của các lĩnh vực kinh tế-xã hội do tác động của BĐKH. Các nhà khoa học cho rằng: Trong bối cảnh BĐKH, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ với BĐKH được coi là một phần của chính sách phát triển. Và, tích hợp vấn đề BĐKH là yếu tố quan trọng để thiết kế một chính sách hiệu quả nhằm đạt được cả lợi ích kinh tế và ứng phó với BĐKH.
* Ở Việt Nam, việc tích hợp vấn đề BĐKH được thực hiện thế nào?
- Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH, trong đó yêu cầu tất cả các chính sách và chiến lược mới đều phải tích hợp nội dung BĐKH. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tích hợp được vấn đề BĐKH một cách toàn diện vào các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chúng ta chưa có đủ dữ liệu mang tính định lượng về diễn biến của BĐKH trong tương lai, và thiếu các quy định pháp lý mang tính bắt buộc tích hợp các vấn đề BĐKH; năng lực tích hợp vấn đề BĐKH còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lực (nhân sự, thời gian và tài chính) để thực hiện nhiệm vụ tích hợp vấn đề BĐKH còn rất thiếu và có sự đánh đổi giữa phát triển và thích ứng với BĐKH.
* Vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc tích hợp vấn đề BĐKH, chúng ta phải làm gì?
- Nguyên tắc cơ bản của tích hợp vấn đề BĐKH là: Phát triển bền vững, hệ thống, tổng hợp, ngành/liên ngành, vùng/liên vùng, bình đẳng về giới và xóa đói, giảm nghèo; ưu tiên hiệu quả chi phí - lợi ích của các biện pháp đối với ngành, lĩnh vực; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực… Quy trình tích hợp vấn đề BĐKH gồm 5 bước: Sàng lọc; lựa chọn các biện pháp ứng phó; tích hợp vấn đề BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã tích hợp các vấn đề BĐKH; giám sát và đánh giá.
Bước 1 (sàng lọc) là nhằm đánh giá mối quan hệ giữa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển với vấn đề BĐKH, xác định xem liệu có cần tiến hành tích hợp không. Đồng thời, cần phải trả lời các câu hỏi: Các vùng và ngành có dễ bị tổn thương trước rủi ro BĐKH hay không? Các hoạt động kinh tế-xã hội có làm giảm khả năng thích ứng với BĐKH, hoặc bỏ lỡ các cơ hội do BĐKH mang lại hay không? Về sự lựa chọn các biện pháp ứng phó (bước 2), gồm xác định các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ và lựa chọn các biện pháp thích ứng, giảm nhẹ. Đáng lưu ý là bước 3, sau khi xác định các lựa chọn thích ứng và giảm nhẹ, cần tiến hành tích hợp các biện pháp đó vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tích hợp các vấn đề BĐKH được thực hiện theo 3 tiêu chí sau: Mục tiêu ứng phó với BĐKH phải trở thành một trong những mục tiêu của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; các vấn đề BĐKH được tích hợp vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phải tương thích, hài hòa với các vấn đề khác; có mức độ ưu tiên của các vấn đề BĐKH được tích hợp với các vấn đề khác.
* Riêng đối với tỉnh Bình Định thì sao, thưa ông?
- Tại khóa đào tạo vừa tổ chức ở TP Quy Nhơn, Viện KHKTTVMT đã hướng dẫn cụ thể cho lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành và chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Bình Định về mục đích, ý nghĩa của tích hợp vấn đề BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; quy trình tích hợp BĐKH; các nguyên tắc khi tiến hành tích hợp; các hoạt động hỗ trợ cho nhiệm vụ tích hợp.
Trong đó, chúng tôi tập trung hướng dẫn việc lồng ghép quy trình tích hợp vào quy trình lập, thực hiện, giám sát và đánh giá chiến lược, quy hoạch, kế hoạch mới. Đó là việc tích hợp các vấn đề BĐKH vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố và của cả các ngành… Đối với cấp tỉnh, yêu cầu đề ra là: Khi tích hợp các vấn đề BĐKH vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội phải xác định vai trò của tỉnh đối với vùng và cả nước, nghiên cứu các quan điểm chỉ đạo và một số chỉ tiêu vĩ mô về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; xác định quan điểm và mục tiêu phát triển, định hướng phát triển và tổ chức thực hiện. Đồng thời, tỉnh cần thông báo cho các bộ, ngành về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong vòng 30 ngày sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo cho các huyện, thành phố, các sở, ngành trên địa bàn để triển khai thực hiện…
* Xin cảm ơn ông!
|