Công ty CP Giày Bình Định (BDFC) là một trong những doanh nghiệp (DN) hình thành sớm nhất trên địa bàn tỉnh sau năm 1975. BDFC đã từng có quá trình phát triển khá năng động và hiệu quả, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, và có đóng góp cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của Công ty gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Với 36 năm hoạt động, các sản phẩm của BDFC đã có mặt tại hầu hết các quốc gia thuộc EU và Bắc Mỹ. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 cùng với các loại sản phẩm đa dạng, giao hàng đúng hẹn, phương thức thanh toán linh hoạt, luôn tuân thủ việc hạn chế hoặc không sử dụng các chất độc hại trong sản xuất làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và con người do Ủy ban châu Âu (EC) ban hành, là những ưu điểm nổi trội của BDFC.
|
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Giày Bình Định. Ảnh: văn lưu |
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, BDFC liên tục phải đương đầu với những khó khăn, thách thức. Tháng 10.2006, EC đã ra quyết định áp dụng biện pháp chống phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam sang EU với mức thuế 10%, đã tác động tiêu cực tới hoạt động SXKD của hầu hết các DN da giày trong nước, trong đó có BDFC… Các sản phẩm giày da của Việt Nam cũng không được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển giai đoạn 2009-2011… Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, và khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở các nước EU đã tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của các DN trong nước, trong đó có BDFC.
Theo Sở Công Thương, thời gian qua hoạt động SXKD giày dép có chiều hướng giảm sút. Trong tháng 8.2012, giá trị kim ngạch xuất khẩu của BDFC chỉ đạt 350 ngàn USD, lũy kế 8 tháng đầu năm trên 4,4 triệu USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2011. Ông Võ Ngọc Thủy, Giám đốc BDFC cho biết, bởi cuộc khủng hoảng nợ công, nhiều nước EU đã phải thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu, nên lượng đơn hàng giày dép của BDFC ngày càng giảm sút. Đây là nguyên nhân chính làm cho hoạt động SXKD của DN gặp khó khăn. Trong khi đó, BDFC vừa phải đương đầu với sự cạnh tranh từ các DN cùng ngành của Trung Quốc, Brazil, Mexico...; lại phải nhập khẩu, mua nguyên-vật liệu từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nên chi phí tăng cao, khả năng cạnh tranh giảm sút. Đồng thời, nguồn điện cung cấp cho BDFC luôn “bất ổn”, tháng nào cũng bị cúp điện, thậm chí có tháng bị cúp điện tới 4 lần. Địa điểm cơ sở II của Công ty (ở xã Phước Thành - Tuy Phước) mặc dù DN đã ký hợp đồng thuê đất với Sở TN-MT từ năm 2007, mọi chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đều được thực hiện đầy đủ, song BDFC vẫn bị cơ quan chức năng bắt phải đóng tiền phần chênh lệch so với tiền thuê đất khá cao (từ 145 triệu đồng đến 283 triệu đồng/năm)…
Cũng theo ông Võ Ngọc Thủy: Trong bối cảnh khó khăn, BDFC đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì và ổn định hoạt động SXKD. Trước khó khăn về đơn hàng từ nước ngoài, lãnh đạo DN đã cố gắng tìm kiếm những đơn hàng gia công trong nước để duy trì hoạt động SXKD, ổn định việc làm cho gần 1.500 lao động…
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo BDFC, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ lãnh đạo và công nhân, lao động của Công ty, nhất là việc vượt khó, duy trì hoạt động SXKD, tạo việc làm ổn định cho người lao động; đồng thời ghi nhận những giải pháp vượt khó mà lãnh đạo BDFC đề ra. Riêng về những kiến nghị của BDFC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu Công ty Điện lực Bình Định có phương án đảm bảo cung cấp điện thuận lợi cho hoạt động SXKD của BDFC; yêu cầu các sở, ngành chức năng xem xét lại mức giá thuê đất đối với cơ sở II của BDFC và không được thu phí tùy tiện.
Với những giải pháp đề ra và sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ, công nhân, người lao động BDFC, hy vọng rằng, hoạt động SXKD của công ty sẽ từng bước ổn định và phát triển.
|