Hiện nay, toàn huyện Tây Sơn có 31 HTXNN với trên 70.000 xã viên (XV), mỗi HTX bình quân có 2.259 XV. Tổng doanh thu của các HTXNN trên địa bàn huyện năm 2011 là 54,7 tỉ đồng, tăng 17,1 % so với năm 2010. Các HTXNN đã từng bước chuyển sang làm dịch vụ hỗ trợ XV bằng các hoạt động đa dạng và thiết thực hơn trước.
Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn huyện đã đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho XV phát triển sản xuất. Qua hoạt động kinh doanh dịch vụ, doanh thu bình quân hơn 1 tỉ đồng/HTX/năm; có 7 HTX có lãi trung bình trên 100 triệu đồng/năm; tiêu biểu như HTXNN Thượng Giang, HTXNN-dịch vụ Bình Tân, HTXNN 2 Bình Hòa… Tuy nhiên, số lượng HTX yếu cũng không ít.
Những tồn tại, hạn chế
Theo khảo sát, huyện Tây Sơn hiện có 10/31 HTXNN tổ chức nhiều khâu dịch vụ và sản xuất kinh doanh khá tốt, đáp ứng nhu cầu của hộ XV, đạt loại khá giỏi; 16/31 HTX trung bình; 5/31 HTX xếp loại yếu, hoạt động chỉ 1 đến 2 khâu dịch vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của XV; vốn quỹ không phát triển, nợ khê đọng quá nhiều, như các HTXNN: Hữu Giang, Phú Hiệp, Phú Lạc, Hòa Lạc, Phú Hưng. Các HTX yếu kém hiện nay chỉ duy trì một cách hình thức, và tồn tại do ràng buộc bởi một số dịch vụ thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp mà hộ nông dân không thể làm được.
|
Nông dân xã Tây Phú thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: N.Hân |
Nhìn chung hiện nay trên địa bàn huyện Tây Sơn, bình quân mỗi HTXNN tổ chức được 4 khâu dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ thủy lợi và dịch vụ điện. Đây là 2 dịch vụ có doanh thu và là nguồn thu chủ yếu để chi trả lương cho cán bộ quản lý và chi hành chính phí của các HTXNN. Từ khi có chủ trương miễn thủy lợi phí và thực hiện bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện bán điện trực tiếp đến hộ tiêu thụ điện ở nông thôn, hoạt động của một số HTX trở nên sa sút, thậm chí thua lỗ và thâm nợ. Nhiều HTX không đủ kinh phí để chi trả cho cán bộ quản lý dẫn đến tinh thần làm việc của cán bộ bị xao nhãng, thiếu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con XV.
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động của HTXNN gặp khó khăn, còn có nguyên nhân nữa là do quy mô hoạt động nhỏ, phân tán chủ yếu ở cấp thôn, nên không tạo được động lực để phát triển, đặc biệt là đội ngũ quản lý HTX còn yếu về trình độ, năng lực quản lý, điều hành, và thiếu tâm huyết để đưa HTX đi lên trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay. Trình độ cán bộ quản lý HTXNN còn bất cập so với cơ chế quản lý mới.
Sau chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX, bộ máy quản lý HTX được tinh giảm gọn nhẹ hơn, nhưng hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động theo kinh nghiệm thực tế, ít được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế cho thấy trong tổng số 31 chủ nhiệm HTX có 4 người có trình độ đại học, chiếm 12,9%; trình độ trung cấp 54,8%... Đồng thời đội ngũ cán bộ quản lý HTX thường xuyên thay đổi, nên nhiều HTXNN luôn ở trong tình trạng thiếu cán bộ có năng lực và kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành.
Giải pháp khắc phục
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm HTXNN 2 Bình Hòa, xã Bình Hòa: Để HTX tồn tại và phát triển, trước tiên HTX phải kinh doanh dịch vụ, phải sinh lời. Nhưng cái khó của HTX hiện nay là đa số các hoạt động dịch vụ của HTX chỉ mang tính chất phục vụ bà con XV chớ không thể sinh lời, còn các dịch vụ khác thì cần có vốn, song hiện nay HTX rất khó khăn về vốn để kinh doanh dịch vụ, vì một số vốn nằm trong XV, bị XV chiếm dụng phần lớn. Hiện nay, muốn hoạt động các dịch vụ như cung ứng vật tư phân bón cũng như kinh doanh các dịch vụ khác buộc phải có tiền “tươi” mới làm được. Do đó, HTX không cạnh tranh được với các hộ cá thể về các dịch vụ cần có nguồn vốn tiền mặt. Muốn cho HTX phát triển thì Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ HTX về mặt tài chính tín dụng, nhưng then chốt vẫn là nỗ lực phấn đấu của chính các HTX, có như thế mới thúc đẩy được HTX phát triển trong thời gian tới.
Trước thực trạng khó khăn trong hoạt động của các HTXNN trên địa bàn huyện, ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Huyện đang tập trung chỉ đạo các HTX cần phải xác định rõ những nguyên nhân tồn tại khách quan lẫn chủ quan của từng đơn vị để đề xuất cấp trên hỗ trợ giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, những HTX thuộc diện yếu kém phải họp XV thống nhất biện pháp sáp nhập để HTX hoạt động hiệu quả hơn”.
Cũng theo ông Đỗ Văn Sỹ, để thúc đẩy các HTXNN phát triển, trước hết phải củng cố lại đội ngũ cán bộ HTX, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của những người đại diện cho kinh tế tập thể, tạo uy tín bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực để thu hút sự đồng tình ủng hộ của XV. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện giúp đỡ HTX mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ phù hợp với đặc thù từng đơn vị; xây dựng giải pháp thu hồi nợ đọng trong XV. Huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm củng cố và phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể, phấn đấu đến năm 2015 trên địa bàn huyện không còn HTX yếu kém, nhằm góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn huyện.
|