Từ một vài mô hình trình diễn đạt hiệu quả, đến nay, nông dân huyện Vĩnh Thạnh đã đưa vào sản xuất đại trà với hàng trăm héc ta lúa lai mỗi năm. Điều đó cho thấy, cây lúa lai đã thực sự hấp dẫn nông dân huyện miền núi này.
|
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa lai tại xã Vĩnh Thịnh.
|
Với đặc thù điều kiện tự nhiên của một huyện miền núi, diện tích cây lúa nước ít, phân bố không đồng đều, nên bên cạnh công tác chuyển giao những giải pháp thâm canh đồng bộ, việc đưa giống lúa lai vào sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo ổn định lương thực cho người dân là một chủ trương lớn của ngành Nông nghiệp địa phương.
Nhằm thuyết phục người dân sản xuất lúa lai, từ năm 2005, huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng mô hình sản xuất lúa lai tại xã Vĩnh Thịnh để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Sản xuất lúa lai cần trình độ kỹ thuật cao hơn so với cách làm truyền thống, nên ban đầu nông dân còn e dè. Tuy nhiên, khi so sánh năng suất bình quân các giống lúa thuần ở cùng thời điểm chỉ đạt từ 45-50 tạ/ha trong khi lúa lai đạt từ 70-80 tạ/ha, hầu hết nông dân trong và ngoài xã Vĩnh Thịnh tham quan mô hình đều “tâm phục, khẩu phục” về hiệu quả của giống lúa lai. Và khi nông dân đã “ưng cái bụng” rồi thì việc vận động bà con đưa giống lúa lai vào sản xuất trở nên dễ dàng hơn.
Thực tế cho thấy, cây lúa lai đã thu hút sự quan tâm của nông dân Vĩnh Thạnh, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống lúa lai vào sản xuất đã được bà con hưởng ứng mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực. Bà Phan Thị Nhẫn, ở thôn Vĩnh Định, xã Vĩnh Thịnh có 6 sào đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, trong đó có 4 sào đất đã được chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa lai/năm. Bà Nhẫn cho biết: “Sản xuất lúa lai có nhiều ưu điểm, như: lượng lúa giống để gieo sạ ít, cây cứng ít đổ ngã, kháng bệnh tốt, dẫn đến chi phí đầu vào thấp. Hơn nữa năng suất lúa lai vụ Đông Xuân đạt 4 tạ/sào, vụ Thu đạt 3,2 tạ/sào, cao hơn nhiều so với lúa thuần, nên năm nào tôi cũng sản xuất lúa lai”.
Từ một vài mô hình trình diễn sản xuất cho nông dân “mắt thấy, tai nghe” với phương pháp “cầm tay chỉ việc” đạt hiệu quả, đến nay, cây lúa lai đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các xã: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hòa… của huyện Vĩnh Thạnh với hàng trăm ha/năm. Riêng vụ Đông Xuân năm 2011-2012, trong tổng số trên 892 ha lúa nước ở Vĩnh Thạnh, có đến hơn 500 ha lúa lai, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha. Vụ Thu năm 2012, nông dân trong huyện cũng đã đưa vào sản xuất 273 ha lúa lai với các loại giống Nhị ưu 838, CT 16…, chiếm trên 80% tổng diện tích lúa vụ này.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Phát triển cây lúa lai ở Vĩnh Thạnh là một chủ trương sản xuất hợp lòng dân, ngoài giải quyết nhu cầu lương thực cho bà con, vì các giống lúa lai đưa vào sản xuất ở địa phương có chất lượng gạo tốt nên giá bán trên thị trường chẳng thua kém gì các giống lúa thuần khác, nhờ vậy giống lúa lai đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao mặt bằng thu nhập chung của người nông dân trong huyện. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường hơn công tác lựa chọn các loại giống lúa lai mới, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật vào thực tế sản xuất. UBND huyện sẽ dành một phần kinh phí từ Chương trình 30a để hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất, phấn đấu đến năm 2015, diện tích lúa lai chiếm 80% diện tích lúa của toàn huyện.
|