|
Đoàn viên thanh niên Tây Sơn tham gia công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện. Ảnh: H. Chi |
Nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai bão lũ năm 2012, huyện Tây Sơn đã củng cố Ban chỉ huy (BCH) phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) huyện, chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn củng cố, kiện toàn BCH PCLB của từng địa phương, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có lụt bão xảy ra.
Ông Tạ Xuân Chánh- Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Để làm tốt công tác PCLB-TKCN năm 2012, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, các địa phương thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng PCLB. Trong đó, đặc biệt ưu tiên công trình an toàn cộng đồng, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, cầu đường; các địa phương lên phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn cho khu dân cư vùng lũ quét, vùng thấp trũng thường bị ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm.
Trên địa bàn huyện hiện có 58 công trình thủy lợi, trong đó có 26 hồ chứa nước lớn nhỏ, có 25 hồ đập cao trên 10 m, dung tích trên 500 ngàn m3. Thời gian qua, các hồ chứa nước có dung tích lớn đã được hoàn thành sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo vượt lũ an toàn. Với một số công trình còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, các địa phương và đơn vị quản lý cũng đã kiện toàn BCH PCLB-TKCN, xây dựng phương án kế hoạch PCLB-TKCN theo phương châm 4 tại chỗ, thường xuyên gia cố, sửa chữa các hư hỏng; thu dọn các vật cản trên tuyến đường lên hồ để các phương tiện cơ giới có thể cơ động ứng cứu hồ khi xảy ra sự cố.
Toàn huyện có trên 10 khu dân cư với trên 1.000 hộ dân ở 8 vùng trũng thấp, ven sông suối. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, các địa phương đã xây dựng phương án cụ thể, sẵn sàng di dời dân đến các khu vực cao, các trụ sở, nhà kiên cố khi có bão lũ lớn xảy ra. Xã Bình Hòa có 86 hộ - 258 nhân khẩu, di dời đến trường tiểu học và trụ sở UBND xã Bình Hòa. Xã Bình Thành có 15 hộ- 48 nhân khẩu, di dời đến trường tiểu học Phú Lạc. Xã Bình Nghi có 150 hộ - 460 nhân khẩu, di dời đến trường tiểu học, trụ sở HTX Bình Nghi I và các nhà kiên cố dọc quốc lộ 19... Ngoài ra, các vùng có nguy cơ sạt lở đất như: làng Kon Giọt 1, Kon Giọt 2 di chuyển đến UBND xã Vĩnh An.
Một trong những địa phương thường bị ảnh hưởng bão lũ là xã Tây Vinh. Đây là địa phương nằm ở vùng hạ lưu sông Côn, hàng năm vào mùa mưa lũ có nhiều khu vực thấp trũng thường bị ngập úng, người dân cần được di dời đến nơi an toàn, nên việc sơ tán dân khi có bão lụt xảy ra được địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Đoàn Văn Em, Chủ tịch UBND xã Tây Vinh, cho biết: Các địa điểm phải sơ tán dân khi thiên tai xảy ra là xóm 5 thôn An Vinh 2 và xóm 7 thôn Nhơn Thuận, xóm 2, xóm 3 thôn An Vinh 1; số hộ, nhân khẩu phải sơ tán khoảng 150 hộ/450 nhân khẩu, nơi sơ tán là trường tiểu học, THCS và UBND xã, phương tiện sơ tán là sõng, đi bộ, số lượng sõng là 25 cái, người điều khiển là chủ phương tiện. Lực lượng thanh niên xung kích cứu hộ của xã có 25 người túc trực ở UBND xã để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra…
Với sự chuẩn bị chu đáo từ huyện đến các địa phương và sự chủ động ứng phó của nhân dân trên địa bàn huyện, hy vọng rằng công tác PCLB-TKCN trong mùa mưa bão năm nay ở Tây Sơn sẽ đem lại hiệu quả như mong muốn và sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.
|