Những năm qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình 135, 134, 30a, huyện Vân Canh đã đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; hỗ trợ giống cây con, vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các Chương trình, dự án đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế…
Trong những năm qua, cùng với nỗ lực của địa phương, Trung ương và tỉnh đã đầu tư vốn giúp huyện Vân Canh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng. Đặc biệt, Vân Canh được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135, 134, và là một trong ba huyện nghèo của tỉnh được thụ hưởng chính sách đầu tư thông qua Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a (gọi tắt là Chương trình 30a) của Chính phủ.
|
Công trình xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng xã Canh Hòa - Vân Canh. |
Kết quả bước đầu
Từ năm 2009 đến nay, bằng nguồn vốn 30a, huyện Vân Canh đã sử dụng trên 128,897 tỉ đồng để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đầu tư xây dựng 45 công trình đường giao thông, nhà văn hóa, trường học… Cũng từ nguồn vốn 30a, huyện đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ở cơ sở…
Theo bà Hoàng Thị Như Phương, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, các hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; xây dựng nhà ở cho người nghèo; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; đào tạo cán bộ… đã góp phần làm thay đổi diện mạo các địa phương, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân Vân Canh.
Những tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, quá trình thực hiện các Chương trình, dự án ở Vân Canh cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, công tác điều hành chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ; một bộ phận cán bộ và người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, không muốn ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo... Việc xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, kiểm tra chỉ đạo và sơ kết, tổng kết, nhân mô hình ra diện rộng chưa được ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức. Tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm xảy ra phổ biến tại các địa phương.
Bên cạnh đó, cũng cần phải thấy rằng, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho Vân Canh còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo các Chương trình chưa có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích người nghèo phấn đấu thoát nghèo.
Giải pháp khắc phục
Trước tình hình trên, mới đây, Đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà dẫn đầu, đã làm việc với chính quyền huyện Vân Canh về việc thực hiện các Chương trình 135, 134, 30a; kiểm tra một số công trình đang xây dựng trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã yêu cầu huyện Vân Canh cần phải đánh giá cụ thể kết quả sau 3 năm thực hiện Chương trình 30a, và các hoạt động của Chương trình 135, 134, qua đó định hướng, xác định thế mạnh và những yêu cầu bức thiết để sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả hơn. Đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các Chương trình, dự án trong năm 2013.
Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Thu Hà, huyện Vân Canh cần xem xét lại việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp và các hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; ưu tiên nguồn vốn này để đầu tư giao khoán cho dân bảo vệ rừng, phát triển các sản phẩm phụ dưới tán rừng; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao ra diện rộng. Xây dựng và thực hiện đề án phát triển đàn bò lai, nuôi vỗ béo bò; chủ động phối hợp với ngành chức năng và doanh nghiệp xây dựng phát triển vùng nguyên liệu mía, mì theo hướng thâm canh, bền vững, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Vân Canh cũng cần thực hiện tốt việc hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng Chương trình 30a, 135, 134 áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nhằm tăng nguồn thu, giải quyết việc làm cho người dân.
Huyện Vân Canh cũng đề nghị Trung ương và tỉnh tăng cường nguồn vốn hỗ trợ các chính sách mới của Chương trình 30a theo mục tiêu, kế hoạch của đề án được phê duyệt; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện; tổ chức đào tạo, sử dụng lực lượng lao động tại chỗ nhằm giải quyết việc làm ở địa phương, nhất là đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số…
|