|
Giải ngân cho vay hộ nghèo ở huyện Hoài Ân. |
Thời gian qua, mặc dù tình hình KT-XH trong nước, trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, song hoạt động của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; việc triển khai chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt được những kết quả khả quan, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Tính đến nay, tổng dư nợ của hệ thống NHCSXH trên địa bàn ước đạt 2.044 tỉ đồng, bằng 94,4% so với kế hoạch. Trong số này, dư nợ cho vay hộ nghèo ước thực hiện trên 811 tỉ đồng, đạt trên 99,7% so với kế hoạch; cho vay hộ đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo ước đạt trên 6,5 tỉ đồng, xấp xỉ 95%... Điều đáng ghi nhận là hoạt động cho vay hộ nghèo ở các huyện, thành phố trong tỉnh thời gian qua đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2011. Tiêu biểu trong số này là các địa phương: Hoài Nhơn (gần 19 tỉ đồng); Phù Cát (gần 17 tỉ đồng); Phù Mỹ (gần 15 tỉ đồng); Tây Sơn (gần 7 tỉ đồng); Hoài Ân (gần 7 tỉ đồng); Vĩnh Thạnh (gần 6 tỉ đồng); An Lão (gần 6 tỉ đồng)…
Chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các gia đình chính sách khác thông qua nguồn vốn NHCSXH đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện làm ăn, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo. Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 15.676 hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ đồng vốn của NHCSXH. Trong đó, những địa phương có số hộ gia đình thoát nghèo cao là: Phù Mỹ (4.694 hộ); Vĩnh Thạnh (2.268 hộ); Vân Canh (2.126 hộ); Hoài Nhơn (1.824 hộ); Tây Sơn (1.491 hộ); Hoài Ân (1.318 hộ)…
Theo ông Nguyễn Đình Sơn, đạt được kết quả trên là nhờ hệ thống NHCSXH trên địa bàn đã từng bước được củng cố, sắp xếp hợp lý; đã thành lập được 11 phòng giao dịch cấp huyện, thành phố, thị xã với hơn 2.851 tổ tiết kiệm-vay vốn (TK-VV). Hoạt động của các tổ TK-VV ngày càng đi vào quy củ và chất lượng. 138 điểm giao dịch đã được thành lập tại 159 xã, phường, thị trấn. Mỗi tháng các điểm giao dịch ít nhất tổ chức một lần giao dịch để giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm dân cư và chi ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội làm dịch vụ ủy thác cho vay với NHCSXH. Điểm giao dịch cũng là nơi diễn ra các cuộc họp giao ban giữa chính quyền địa phương, hội-đoàn thể, tổ TK-VV, người vay vốn và NHCSXH để phổ biến chủ trương, chính sách mới; giải quyết, tháo gỡ khó khăn và bàn biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi với người nghèo.
Bên cạnh những thành tựu, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với NHCSXH tỉnh là tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn. Tính đến cuối năm 2011, tỉ lệ nợ quá hạn là 0,5%, với số tiền gần 11 tỉ đồng, trong đó nợ chiếm dụng trên 440 triệu đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2012, số nợ quá hạn toàn hệ thống khoảng trên 5,6 tỉ đồng. Những địa phương có số nợ quá hạn cao là: Tuy Phước (gần 766 triệu đồng); Tây Sơn (trên 673 triệu đồng); Phù Cát (trên 623 triệu đồng)…
Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thuận lợi, khó khăn của hoạt động công tác cho vay hộ nghèo trên địa bàn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phấn đấu đến cuối năm 2012 đạt tổng dư nợ trên 2.164 tỉ đồng; trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo trên 813 tỉ đồng; tăng trưởng tín dụng đạt 17%; giữ nguyên tỉ lệ nợ quá hạn ở mức 0,5%...
|