|
Một góc khu dân cư bên cạnh chợ Hoài Sơn. |
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình 135, 134…, cùng với ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Sơn, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Hoài Sơn là xã miền núi duy nhất của huyện Hoài Nhơn. Là xã thuần nông, với 2.659 hộ/11.227 nhân khẩu, từ năm 2000 trở về trước, đời sống của nhân dân Hoài Sơn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào cây lúa. Từ khi thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện đa ngành nghề, trong đó nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, đời sống người dân được cải thiện hơn.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, Đảng bộ xã Hoài Sơn đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bằng những giải pháp tích cực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực trong nhân dân, nhờ vậy mà các chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt qua từng năm.
Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14,5%. Diện tích gieo trồng tương đối ổn định, cho năng suất khá cao. Điển hình như 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu năm nay, xã Hoài Sơn gieo sạ 1.292,5 ha lúa, năng suất bình quân cả 2 vụ đạt 59,9 tạ/ha. Đặc biệt, Hoài Sơn phát triển mạnh nghề trồng rừng kinh tế, toàn xã có 3.289 ha rừng trồng keo lai, sao đen, bạch đàn, dó… cho thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, trên địa bàn xã đã xây dựng được 12 mô hình kinh tế trang trại vườn gò đồi, kết hợp trồng rừng với chăn nuôi trâu, bò, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, một số trang trại thu nhập 200 triệu đồng/năm. Trong chăn nuôi, xã tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo, tăng cường kiểm dịch thú y… Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định, hiện đàn trâu-bò có 4.361 con, đàn heo 9.726 con, đàn gia cầm 41.750 con.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề truyền thống như chẻ đá, làm mộc, bánh tráng… đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn xã từ 2,26% đến 3%/năm.
Kinh tế phát triển, Hoài Sơn có điều kiện đầu tư tương đối hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm làm tiền đề thắng lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa gần 20 km, tạo điều kiện đi lại, giao thương thuận lợi.
Ông Bùi Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, cho biết: Tuy đạt được một số thành tựu đáng phấn khởi trong phát triển kinh tế-xã hội, song Hoài Sơn là xã miền núi nên việc tiếp cận các tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế; thu nhập của người dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp; kinh phí đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản còn thiếu… Trong thời gian đến, Hoài Sơn sẽ tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
|