Ban Quản lý Dự án thủy lợi (BQLDATL) tỉnh vừa hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng các công trình của Tiểu Dự án Hệ thống thủy lợi La Tinh (TDAHTTLLT). Dự án này hoàn thành đã góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu tại các địa phương vùng hưởng lợi, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (SXNN), chủ động phòng chống lụt bão.
|
Đập dâng Cây Gai trên địa bàn xã Cát Tài được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng.
|
Hoàn thành 100% các gói thầu xây lắp
TDAHTTLLT thuộc Dự án Thủy lợi miền Trung, có tổng vốn đầu tư 382,565 tỉ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trên 291 tỉ đồng, vốn đối ứng trong nước 91,5 tỉ đồng. Dự án được triển khai trên địa bàn 9 xã gồm: Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh (huyện Phù Cát); Mỹ Tài, Mỹ Hiệp, Mỹ Cát và Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ). Tiểu dự án có hai hợp phần chính: Hợp phần A - cải tiến, nâng cấp các hệ thống quản lý tưới; Hợp phần B - nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, nâng cao nănag lực tưới tiêu cho SXNN, cung cấp nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản; đồng thời, đảm bảo việc tiêu thoát lũ an toàn trong mùa mưa lũ hàng năm.
Theo thiết kế, các hạng mục xây dựng TDAHTTLLT gồm: cải tạo và xây dựng mới 140,7 km kênh và công trình trên kênh theo hướng kiên cố hóa. Bao gồm 66,9 km kênh chính, kênh cấp 1; 29,3 km kênh cấp 2; 44,6 km kênh nội đồng, trong đó có 2,6 km kênh làm bằng vật liệu PVC. Cải tạo và nâng cấp 25 km đê hạ lưu sông La Tinh, gồm các tràn phân lũ trên đê; cải tạo hệ thống cửa đập dâng nước Cây Gai; xây dựng mới đập dâng Cây Ké; gia cố hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Suối Tre; nâng cấp đường cứu hộ vào hồ Hội Sơn… Toàn bộ dự án có 53 gói thầu xây lắp (kể cả 11 gói thầu kênh nội đồng do các HTXNN thi công). Dự án được chính thức khởi công từ tháng 4.2009 với tổng giá trị thực hiện là 294 tỉ đồng.
Trong thời gian qua, các công trình đã được các nhà thầu tích cực thi công, đáp ứng đúng theo cam kết giữa đơn vị thi công và chủ đầu tư. BQLDATL đã thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cam kết thi công đúng tiến độ. Riêng những vị trí thi công xung yếu, thường xuyên bị sạt lở do mưa lũ gây ra, ngành chức năng đã yêu cầu các đơn vị ưu tiên thực hiện trước, đảm bảo vượt lũ an toàn. Nhờ vậy, đến nay, tất cả các gói thầu xây lắp đã được thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
|
Hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn xã Mỹ Hiệp được cải tạo, nâng cấp khá hoàn chỉnh.
|
Phát huy hiệu quả tích cực
Theo ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc BQLDATL thuộc Sở NN-PTNT: Sau khi được xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng, TDAHTTLLT sẽ góp phần cải thiện hệ thống thủy lợi tại địa phương; nâng cao năng lực tưới cho vùng được hưởng lợi, đảm bảo cung cấp nước tưới cho trên 3.500 ha đất canh tác và 300 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Việc nâng cấp hệ thống đê sông La Tinh cũng góp phần giảm nhẹ thiên tai, lũ lụt, bảo vệ an toàn tính mạng của 30.000 nhân khẩu và 1.427 ha đất SXNN vùng hạ lưu trong mùa mưa lũ…
Ông Võ Văn Minh, một nông dân ở xã Mỹ Hiệp, phấn khởi cho biết: Trước đây chưa có TDAHTTLLT, vùng này thường xuyên bị thiếu nước tưới trong mùa khô nên năng suất cây trồng rất thấp. Bây giờ, dự án được thi công hoàn thành, người dân hết nỗi lo bị thiếu nước, yên tâm phát triển sản xuất. Có nguồn nước tưới dồi dào, bà con nông dân địa phương còn tính đến việc chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, giúp cải thiện, nâng cao đời sống.
Ông Phạm Văn Trà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết thêm: Các hạng mục của TDAHTTLLT bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao năng lực tưới cho hệ thống thủy lợi tại hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Đối với Phù Mỹ, việc hoàn thành đưa vào sử dụng TDAHTTLLT có ý nghĩa quan trọng, góp phần cải tạo đáng kể hệ thống thủy lợi và đê điều trên địa bàn các xã: Mỹ Hiệp, Mỹ Tài, Mỹ Cát, Mỹ Chánh; cung cấp nước tưới cho SXNN và nuôi trồng thủy sản; nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi; góp phần cắt lũ, bảo vệ an toàn tính mạng cho hàng chục ngàn người dân sống ở vùng hạ lưu.
Trên địa bàn huyện Phù Cát, nhờ đưa vào sử dụng TDAHTTLLT với hệ thống kênh mương, đập dâng Cây Gai, đập dâng Cây Ké được nâng cấp, ngay từ vụ Hè Thu năm nay các xã thường xuyên thiếu hụt nguồn nước tưới trước đây như: Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, đã mở rộng thêm diện tích lúa từ 50 - 150 ha mỗi xã. Bên cạnh đó, diện tích được tưới bằng nguồn nước tự chảy cũng tăng lên ở mỗi xã từ 150 - 250 ha, nhất là Cát Tài, Cát Minh, diện tích bơm tát còn lại rất ít. Nhờ đảm bảo nguồn nước tưới, nên nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác mới, đưa năng suất lúa bình quân ở các xã vùng hưởng lợi lên gần 60 tạ/ha, tăng 7 - 8 tạ/ ha so với các năm trước.
Có thể nói, việc hoàn thành đưa vào sử dụng TDAHTTLLT là điều kiện tốt để nâng cao độ an toàn cho hệ thống thủy lợi tại hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, phục vụ tốt hơn cho SXNN và đảm bảo an toàn tính mạng người dân vùng hạ lưu sông La Tinh trong mùa mưa lũ. Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, được trang bị hệ thống thiết bị vận hành hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý vận hành, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng hưởng lợi…
Có thể nói, việc hoàn thành đưa vào sử dụng TDAHTTLLT là điều kiện tốt để nâng cao độ an toàn cho hệ thống thủy lợi tại hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, phục vụ tốt hơn cho SXNN và đảm bảo an toàn tính mạng người dân vùng hạ lưu sông La Tinh trong mùa mưa lũ. |
|