|
Lễ khánh thành công trình đường, điện ở thôn 6, xã An Vinh. |
Thôn 6, xã An Vinh, huyện An Lão là thôn xa nhất nằm về phía Tây Bắc của huyện, ở độ cao gần 500m so với mặt nước biển, là một trong những thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Mới đây, công trình hạ tầng đường, điện ở thôn 6 đã được xây dựng hoàn thành, mở ra triển vọng mới cho vùng đất này.
Thôn 6, xã An Vinh nằm khuất sau những ngọn núi dựng đứng và cách trở bởi nhiều con sông, con suối. Do địa hình khá phức tạp và hiểm trở nên thôn 6 là một trong 2 thôn cuối cùng của huyện An Lão chưa có đường ô tô, việc đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm huyện lỵ An Lão đến thôn 6 hơn 30 km; để đến được với thôn 6 phải mất cả ngày đường đi bộ. Vào mùa mưa, nơi đây hầu như hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài.
Tuy giao thông cách trở, nhưng thôn 6 xã An Vinh là cái nôi sinh sống lâu đời của người dân H’rê huyện An Lão. Toàn thôn có 45 hộ với 154 nhân khẩu, 100% người dân là đồng bào dân tộc H’rê. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước từ các Chương trình 134, 135, 30a, ở thôn 6 đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng như trường học, trạm y tế, bưu điện, trạm phát lại truyền hình, nhà văn hóa cộng đồng, cửa hàng thương mại, các công trình kênh mương thủy lợi… tạo điều kiện cho người dân nơi đây làm ăn, sinh sống tốt hơn.
Có thể nói, ngày 31.8.2012 vừa qua là một ngày đặc biệt ở thôn 6 An Vinh. Tại đây, UBND huyện An Lão đã phối hợp với Ban quản lý Dự án Điện nông thôn khu vực miền Trung tổ chức lễ cắt băng thông đường và khánh thành tuyến điện lưới quốc gia trung-hạ áp từ thôn 5 đến thôn 6. Đây là thôn cuối cùng của xã An Vinh được sử dụng điện lưới quốc gia. Từ nguồn vốn 30a của Chính phủ, do UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư, sau gần 3 năm khởi công xây dựng (từ năm 2009-2012), tuyến đường bê tông dài 6,33 km từ thôn 5 đi thôn 6 xã An Vinh đã chính thức đưa vào sử dụng. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn loại B, mặt đường rộng 3,5m, bê tông xi măng dày 20cm, có hệ thống thoát nước mưa, với tổng mức đầu tư gần 35 tỉ đồng.
Đi đôi với việc xây dựng tuyến đường nói trên, huyện An Lão còn được Dự án lưới điện phân phối nông thôn (RD) tỉnh Bình Định đầu tư 1,5 tỉ đồng xây dựng 4,8 km đường dây điện trung-hạ thế và 1 trạm biến áp phân phối dung lượng 37,5KV kéo điện từ thôn 5 đến thôn 6 An Vinh, tạo điều kiện cho người dân thôn 6 được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là một sự kiện lớn của xã An Vinh, con đường và dòng điện sẽ góp phần đánh thức tiềm năng của một vùng đất từ xưa đến nay vốn chịu nhiều thiệt thòi.
Hòa trong niềm vui có đường, có điện, già làng Đinh Văn Vải, ở thôn 6 tâm sự: “Lâu nay dân làng mình gặp nhiều khó khăn lắm mỗi lần phải xuống xã, xuống huyện vì không có đường đi. Còn điện thì chỉ sáng được vài tiếng đồng hồ mỗi đêm. Bây giờ có đường bê tông, có điện lưới quốc gia rồi, sướng cái bụng quá, dân làng mình rất biết ơn Đảng và Nhà nước…”.
Có đường, có điện là tiền đề để xã An Vinh thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đường mới mở ra cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội mới cho nhân dân thôn 6. Những dự định làm ăn, phát triển kinh tế sẽ có cơ hội thực hiện thành công. Con đường nối liền thôn 6 với trung tâm huyện lỵ đã rút ngắn khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược.
Trong bài phát biểu tại lễ thông đường và khánh thành tuyến điện lưới quốc gia thôn 5-thôn 6 xã An Vinh, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, đã khẳng định: “Có đường, có điện là tiền đề để thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, đây còn là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương mở rộng tầm nhìn, giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ dân trí, kịp thời nắm bắt và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội”.
|