Trên địa bàn huyện Phù Mỹ hiện có 9 hồ chứa nước xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa bão năm nay. Trước tình hình trên, UBND huyện Phù Mỹ đã huy động nguồn lực tại chỗ, tiến hành sửa chữa, gia cố tạm các hạng mục bị hư hỏng, xây dựng phương án phòng chống lụt bão (PCLB), đảm bảo an toàn cho các hồ chứa.
|
Hồ Núi Miếu - xã Mỹ Lợi, có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa bão năm nay khi đập đất của hồ đã bị sạt lở sâu vào thân đập.
|
Phù Mỹ là địa phương có nhiều hồ chứa nước thủy lợi với 45 hồ, tổng dung tích 42,14 triệu m3, cùng nhiều đập dâng và hàng chục km đê sông. Phần lớn các công trình thủy lợi ở Phù Mỹ đều được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1975 - 1985, khi điều kiện kỹ thuật còn hạn chế. Nhiều công trình do các HTXNN huy động xã viên xây dựng, qua nhiều năm đưa vào khai thác sử dụng và bị tác động bởi thiên tai, lũ lụt, nên đã xuống cấp, hư hỏng.
Nhiều hồ chứa nước bị xuống cấp
Từ năm 2008 đến nay, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn khác, huyện Phù Mỹ đã đầu tư tu sửa, nâng cấp các công trình trọng điểm bị hư hỏng, xuống cấp: hồ Đại Sơn (Mỹ Hiệp), hồ Trung Sơn (Mỹ Trinh), hồ Suối Sổ (Mỹ Phong), hồ Chòi Hiền (Mỹ Chánh Tây), hồ Đập Lồi (Mỹ Hòa). Các công trình nói trên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ nước tưới cho trên 575 ha đất canh tác, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân ở vùng hạ lưu trong mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, theo khảo sát của huyện Phù Mỹ, trên địa bàn huyện vẫn còn 9 hồ chứa nước thuộc diện xung yếu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ năm nay. Đó là các hồ: Giàn Tranh (Mỹ Hòa); An Tường (Mỹ Lộc); Dốc Đá (Mỹ Trinh); Núi Miếu (Mỹ Lợi); Hố Trạch (Mỹ Chánh); Hố Cùng, Thuận An (Mỹ Thọ); Cây Me (Mỹ Thành); Chí Hòa 2 (Mỹ Hiệp). Trong đó, hồ Núi Miếu, nằm ở phía Tây Nam xã Mỹ Lợi, là đáng ngại nhất. Bờ đập đất của hồ khá mỏng, vùng hạ lưu đập đất bị xói lở sâu vào thân đập, bờ đập đã bị thấm nước; tràn xả lũ cũng bị sạt lở nặng; cống lấy nước gãy sập. Hồ chứa nước Cây Me cũng đã bị sạt lở mái thượng và hạ lưu; nước thấm qua nền đập. Hồ Dốc Đá, hồ Bàu Bạn (Mỹ Trinh) cũng không an toàn khi đập đất, cống lấy nước, cống xả nước bị hư hỏng.
Ông Phạm Văn Trà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Hầu hết hệ thống đập đất của các hồ chứa xung yếu trên địa bàn huyện đều không đảm bảo an toàn; đỉnh đập không đủ chiều rộng, mái thượng lưu của nhiều hồ không được lát đá bảo vệ, nên hàng năm đến mùa mưa lũ đã bị sóng đánh gây sụt mái. Đã vậy, do đưa vào sử dụng khá lâu nên ở mái hạ lưu nhiều hồ đã xuất hiện tình trạng thẩm lậu, nước thấm qua đập, vừa ảnh hưởng đến việc tích trữ nước, vừa có nguy cơ bị sạt lở trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, phần tràn xả lũ của nhiều hồ chưa được xây dựng kiên cố, qua mỗi mùa mưa lũ các địa phương tiến hành xử lý tạm trên phần nền đất tự nhiên, đã gây tình trạng xói lở nặng… Hệ thống cống lấy nước của các công trình này hầu hết có kết cấu dạng bậc thang, tình trạng hư hỏng, gãy, rò nước, thấm dọc trong thân đập đang xảy ra với mức độ khác nhau”.
Điều đáng lo ngại là nhiều hồ chứa nước ở huyện Phù Mỹ nằm gần khu dân cư, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất khó lường. Chính quyền và người dân các xã Mỹ Lợi, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Trinh… đang lo lắng khi các hồ chứa nước ở địa phương đều nằm trong diện xung yếu nhưng chưa được nâng cấp, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm nay.
Chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa
Theo UBND huyện Phù Mỹ, để nâng cấp, sửa chữa hoàn chỉnh các hồ chứa nước xung yếu trên địa bàn huyện cần phải có thời gian và nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế. Nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, hàng năm, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện và các xã, thị trấn cũng đều đã trích ngân sách để tu sửa một số hạng mục của các hồ chứa xung yếu, đồng thời xây dựng phương án PCLB cho các hồ chứa. Hiện công tác này đã được chính quyền các địa phương triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể.
Tại hồ Núi Miếu, ông Nguyễn Văn Chớ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi, cho biết: “Chúng tôi đã tập kết tại hồ 60 m3 đá chẻ, trên 100 m3 cát và 1.500 bao cát. Xã cũng đã thành lập đội xung kích phòng chống lụt bão với 120 người và chuẩn bị nhiều phương tiện, sẵn sàng ứng cứu hồ chứa và di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong mùa mưa bão, chúng tôi sẽ cử người giám sát hồ 24/24 giờ”.
Chính quyền các xã Mỹ Trinh, Mỹ Lộc, Mỹ Chánh, Mỹ Thọ cũng đã xây dựng phương án PCLB cho các hồ chứa nước theo phương châm 4 tại chỗ. Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Công tác PCLB cho các công trình thủy lợi đã được chúng tôi chuẩn bị chu đáo. Đối với các hồ chứa nước xung yếu, các địa phương xây dựng phương án mở rộng tràn chính, dự phòng sự cố và xây dựng phương án trữ nước hạn chế, nếu kiểm tra hồ chứa nào không an toàn thì kiên quyết không tích nước. Lực lượng ứng cứu tại chỗ cũng đã được chuẩn bị từ 40-50 người; vật tư đã được chuẩn bị và tập kết tại các hồ chứa. Người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và xử lý các tình huống PCLB cho công trình là chủ tịch UBND xã. Huyện cũng đã chuẩn bị 10 chiếc xe chở khách; 11 phao bè; 2 ca nô, sẵn sàng chi viện cho các địa phương di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có sự cố xảy ra.
Rạng sáng 1.1.2012, bờ cơi hồ thủy lợi Hội Khánh có dung tích khoảng 4,7 triệu m3, bất ngờ bị vỡ khiến hàng trăm hộ dân xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định không kịp trở tay. Những người dân ở thôn Hội Phú - vùng gần hồ cho biết, mờ sáng, khi mọi người còn trong giấc ngủ sau một đêm thức đón giao thừa, tiếng nước chảy mạnh làm mọi người dân bật dậy, khi đó nước đã tràn khắp nhà. Bờ cơi hồ Hội Khánh bị vỡ được đắp ngày 18.11.2011, bờ cao 1,6m, chân rộng 6m, một bên chừa một con lạch 1m để thoát nước. Bờ cơi này dùng để tích thêm nước cho hồ mỗi khi mùa mưa chuẩn bị chấm dứt. |
|