Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 67/2012/NĐ-CP thay thế Nghị định 115/2008/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Theo đó, từ ngày 1.1.2013, mức thu và việc miễn giảm thủy lợi phí (TLP) sẽ được sửa đổi, bổ sung mới. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, về vấn đề này.
- Xin ông cho biết những điểm mới của NĐ 67 vừa được Chính phủ ban hành?
Theo NĐ 67 vừa được Chính phủ ban hành, có nhiều điểm mới về mức thu và miễn giảm TLP được điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý với điều kiện tưới tiêu hiện nay. Cụ thể, biểu mức tăng trung bình thu TLP đối với đất trồng lúa khu vực miền núi cả nước; đồng bằng sông Hồng; trung du Bắc Bộ và Bắc khu IV; Nam khu IV và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ ở mức 1,5 lần so với trước đây. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mức thu TLP vẫn giữ nguyên như hiện nay.
|
Hệ thống kênh mương nội đồng thuộc Dự án công trình đầu mối đập dâng Văn Phong phục vụ nước tưới cho trên 10.000 ha lúa. Ảnh: VĂN LƯU |
Tỉnh Bình Định nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, biểu mức tăng TLP được điều chỉnh tăng bình quân 1,35 lần so với trước đây, bao gồm tưới tiêu bằng động lực được tính ở mức 1,409 triệu đồng/ha/vụ; tưới tiêu bằng trọng lực tính ở mức 986 ngàn đồng/ha/vụ; tưới tiêu bằng trọng lực kết hợp động lực hỗ trợ được tính ở mức 1,197 triệu đồng/ha/vụ.
Trường hợp tưới tiêu chủ động một phần thì mức thu bằng 60% mức biểu phí trên; trường hợp chỉ tạo nguồn tưới tiêu bằng trọng lực thì mức thu bằng 40%; nếu chỉ tạo nguồn tưới tiêu bằng động lực thì thu bằng 50%; trường hợp lợi dụng thủy triều để tưới tiêu thì thu bằng 70% mức phí tưới tiêu bằng trọng lực. Trường hợp phải tạo nguồn từ bậc 2 trở lên đối với các công trình được xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức thu TLP được tính tăng thêm 20% so với mức phí theo quy định. Trường hợp phải tách riêng mức thu cho tưới tiêu trên cùng một diện tích thì mức thu TLP cho tưới được tính bằng 70%, cho tiêu bằng 30% mức thu quy định.
Cũng theo NĐ 67, căn cứ tình hình thực tế từng giai đoạn cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mức thu tăng tối đa 30% so với mức quy định tại NĐ này trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT. Trường hợp cần điều chỉnh mức thu vượt 30% so với mức thu quy định tại NĐ này thì Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định…
- Ngoài đất sản xuất lúa, phạm vi miễn TLP sẽ được điều chỉnh ở các đối tượng đất nào nữa, thưa ông?
NĐ 67 cũng điều chỉnh mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực. Trong đó, mức thu tiền nước để nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi và nuôi cá bè được giảm 2% giá trị sản lượng. Cụ thể, mức thu tiền nước để nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi trước đây là 7% - 10% giá trị sản lượng, nay giảm xuống còn 5% - 8% giá trị sản lượng; mức thu tiền nước để nuôi cá bè trước đây là 8% - 10% giá trị sản lượng, nay giảm xuống 6%-8% giá trị sản lượng.
Cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu nếu không tính được theo m3 thì thu theo diện tích (hecta), mức thu bằng 80% mức TLP đối với đất trồng lúa cho một năm (trước đây bằng 40% mức thu đối với đất trồng lúa không quy định theo vụ hoặc năm).
NĐ 67 cũng điều chỉnh miễn TLP đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối. Miễn TLP đối với diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm.
Ngoài ra, NĐ cũng bổ sung quy định miễn TLP đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo. Việc xác định hộ nghèo được căn cứ vào chuẩn hộ nghèo ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, miễn TLP đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng gồm: hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Hộ gia đình, cá nhân là xã viên HTXNN đã nhận đất giao khoán ổn định của HTX, nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập HTXNN theo quy định của Luật HTX…
- Để việc triển khai NĐ 67 của Chính phủ có hiệu quả, hiện nay, Công ty đã có bước chuẩn bị như thế nào?
Hiện nay, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý 12 hồ chứa nước có dung tích lớn của tỉnh, 24 đập dâng trên hệ thống sông Côn, sông Lại và sông La Tinh; trên 600 km kênh mương và hàng ngàn công trình trên kênh khác, hàng năm đảm bảo tưới tiêu cho 57.000 ha lúa trên địa bàn toàn tỉnh. Để việc triển khai NĐ 67 của Chính phủ có hiệu quả, Công ty đã và đang chỉ đạo các xí nghiệp khai thác thủy lợi trực thuộc tập trung xác định lại diện tích tưới tiêu cụ thể, tính toán mức thu và lên kế hoạch, dự trù kinh phí cấp bù TLP theo quy định mới để trình Sở NN-PTNT, Sở Tài chính phê duyệt, trình UBND tỉnh trong năm 2013. Sắp tới đây, tỉnh cũng sẽ tổ chức triển khai, hướng dẫn việc triển khai thực hiện NĐ 67 để các đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương biết, thực hiện…
- Xin cảm ơn ông!
|