Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt
20:57', 20/9/ 2012 (GMT+7)

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh chăn nuôi bò thịt” do Sở NN-PTNT tỉnh vừa tổ chức, đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, góp phần giúp nông dân tỉnh ta phát triển nghề chăn nuôi bò thịt bền vững, đưa bò thịt trở thành ngành hàng có thể cạnh tranh, nhằm tăng giá trị chăn nuôi, tăng nhu nhập cho nông dân.

 

Nhiều địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác lai tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt, tăng thu nhập cho nông dân.

- Trong ảnh: Chăn nuôi vỗ béo bò thịt tại một hộ ở xã Phước An - Tuy Phước. 

 

Theo Sở NN-PTNT, trước đây đàn bò của tỉnh ta chủ yếu là bò cỏ, dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp, sản lượng thịt không cao, nên hiệu quả chăn nuôi thấp.

Đã khá nhưng chưa bền

Nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả chăn nuôi, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các trạm chăn nuôi gia súc để nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao các giống vật nuôi mới cho nông dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương củng cố và phát triển mạng lưới thú y cơ sở, đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên… phục vụ công tác lai tạo đàn bò, đồng thời xây dựng các điểm chăn nuôi bò thịt chất lượng cao để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.

Để phục vụ chương trình nâng cao chất lượng đàn bò, các địa phương đã khuyến khích nông dân chuyển những diện tích sản xuất lúa bấp bênh sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn để vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, phong trào chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng trang trại trồng cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi bò, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sở NN-PTNT sẽ xây dựng đề án phát triển ngành chăn nuôi bò thịt Bình Định, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu bò thịt chất lượng cao

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, tỉnh ta là địa phương thực hiện tốt chương trình phát triển và lai tạo nâng cao chất lượng đàn bò. Năm 2011, tổng đàn bò ở tỉnh ta đạt 251.485 con, chiếm 26,6% tổng đàn khu vực duyên hải miền Trung, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,7% năm (tốc độ tăng trưởng đàn bò toàn khu vực bình quân 6,8%/năm). Chất lượng đàn bò ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 2001 tỉ lệ bò lai chiếm 29% tổng đàn, thì đến năm 2012 tỉ lệ này lên đến 68%. Nhờ vậy, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 23.327 tấn, tăng 14.341 tấn so với năm 2001. Thị trường truyền thống tiêu thụ bò thịt của tỉnh ta chủ yếu là các tỉnh phía Nam, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và gần đây là Đà Nẵng, Quảng Nam.

Thực tế cho thấy, nghề chăn nuôi bò thịt đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, góp phần giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu tính bền vững. Cụ thể là quy mô chăn nuôi còn nhỏ, phân tán; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển chăn nuôi; dịch bệnh gia súc thường xuyên đe dọa; đầu ra sản phẩm không ổn định; hiệu quả kinh tế của đàn bò thịt chưa tương xứng với tiềm năng…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt

Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh cho rằng, chất lượng bò thịt của tỉnh ta ngày càng cao, nhu cầu tiêu thụ thịt bò trên thị trường ngày càng lớn là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển đàn bò thịt. Tuy vậy, để bò thịt của tỉnh ta trở thành mặt hàng cạnh tranh, cần phải rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch các sản phẩm chăn nuôi chủ lực; quy hoạch cơ sở sản xuất, chế biến; tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, khí nitơ, bò đực giống có tỉ lệ máu Zêbu từ 82,5% trở lên để phục vụ cho công tác lai tạo; ưu tiên kinh phí khuyến nông xây dựng mô hình trình diễn về chế biến thức ăn gia súc. Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án nuôi bò quy mô trang trại, các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi tập trung …

Các ý kiến tham luận tại hội nghị cũng nêu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải đầu tư, phát triển nâng cao tính cạnh trạnh chăn nuôi bò thịt trong thời điểm hiện nay. Ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho rằng, bên cạnh thực hiện các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng đàn bò thịt, cần phải hỗ trợ người chăn nuôi về vốn vay, xúc tiến thương mại, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Lê Văn Chiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh, cho biết: Ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, tích cực triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 41/2010 của Chính phủ, trong đó cho vay không có đảm bảo bằng tài sản với mức tối đa đến 50 triệu đồng đối với hộ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sản xuất trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Chi nhánh ưu tiên áp dụng mức lãi suất thấp với đối tượng khách hàng vay để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, trên cơ sở thực tế, tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh và ý kiến đóng góp của các ngành chức năng, Sở NN-PTNT sẽ xây dựng đề án phát triển ngành chăn nuôi bò thịt Bình Định, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu bò thịt chất lượng cao; đẩy mạnh công tác lai tạo phát triển đàn bò thịt; lựa chọn địa bàn để xây dựng mô hình, các nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thịt chất lượng cao kết nối thị trường có sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Sở NN-PTNT cũng sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành hàng bò thịt chất lượng cao. Mục đích của ngành Nông nghiệp tỉnh là phát triển nghề chăn nuôi bò thịt bền vững, đưa bò thịt trở thành ngành hàng có thể cạnh tranh, nhằm tăng giá trị chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông dân.

  • PHẠM TIẾN SỸ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bán điện chui với giá “cắt cổ”  (20/09/2012)
Vượt khó, đón đầu cơ hội mới  (20/09/2012)
Điều chỉnh mức thu và việc miễn, giảm thủy lợi phí  (19/09/2012)
Nhân rộng những cách làm hay, điển hình tốt  (19/09/2012)
Thu mua gần 4.500 tấn mì nguyên liệu cho nông dân  (19/09/2012)
An Lão kiểm tra việc lấn chiếm đất rừng   (19/09/2012)
Nỗi lo trong mùa mưa bão  (18/09/2012)
Bình Định là địa phương thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao, sáng tạo  (18/09/2012)
Ngày mới ở thôn 6 - An Vinh  (18/09/2012)
Phục tráng giống lúa nếp đặc sản xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ)  (18/09/2012)
Xây dựng mô hình phòng chống đói, rét cho trâu, bò ở xã Vĩnh Kim  (18/09/2012)
Góp phần quản lý vận tải hiệu quả  (17/09/2012)
VN-Index lấy lại mốc 400 điểm  (17/09/2012)
Đang vào mùa cao điểm  (17/09/2012)
Vân Canh: Đầu tư 150 triệu đồng triển khai 5 mô hình khuyến nông  (17/09/2012)