Ý tưởng “lớn” trên khu vườn nhỏ
20:23', 21/9/ 2012 (GMT+7)

Tốt nghiệp Ðại học Ðà Lạt với tấm bằng công nghệ sinh học loại khá, sau mấy  năm làm việc cho các doanh nghiệp, tích lũy được một số kinh nghiệm, năm 2011, anh Lê Văn Tứ - ở thôn Phước Thung, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ - quyết định trở về quê, gắn bó với đồng đất quê nhà. Anh đang đặt nền móng đầu tiên cho những ý tưởng làm ăn, phát triển kinh tế trên mảnh vườn của mình.

Chăn nuôi đa dạng

Sau khi về nhà, anh Tứ khởi nghiệp bằng việc nuôi gà. Tiền mua con giống không nhiều, làm chuồng trại cũng đơn giản, thức ăn không phức tạp... đã giúp anh thành công ngay lứa gà 1.000 con đầu tiên và lứa thứ hai 1.500 con. Anh nuôi tiếp lứa gà thứ 3 với 2.000 con, nhưng giá đã “đứng” lại xảy ra dịch bệnh, rất may là thu hồi được vốn. “Muốn nuôi gà thành công phải xử lý được khâu dịch bệnh, phải có đầu ra ổn định” - nghĩ vậy, anh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu rồi trở thành “bác sĩ gà” không chuyên. Về đầu ra, anh tìm được một lò mổ nhỏ, ký kết hợp đồng mỗi ngày tiêu thụ vài chục con gà. Cứ nuôi 100 ngày, gà đạt trọng lượng bình quân 1,2kg/con. Hơn một năm qua, mỗi tháng anh xuất chuồng trên 300 con gà thịt, giá 70.000 đồng/kg, tuy lãi không nhiều nhưng ổn định.  

 
Anh Tứ (bên trái) giới thiệu mô hình nuôi lươn với Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phong.

Với đồng vốn hạn hẹp, anh Tứ luôn trăn trở làm thế nào để giảm thấp nhất chi phí đầu vào. Và khi được biết trùn quế là nguồn thức ăn rất tốt cho gà, lại dễ nuôi, anh xây 3 ô nuôi, mỗi ô 20 m2. Quả thật, nguồn thức ăn này giúp gà mau lớn, thịt chắc, ngon. Có sẵn nguồn trùn quế, anh vào Tiền Giang mua 2.000 con lươn về nuôi, nhưng thất bại, lươn chết sạch. Qua tìm hiểu anh biết do con giống không tốt, nên ra Nghệ An mua 500 con lươn giống tự nhiên đem về nuôi, thấy ổn lại mua tiếp 1.000 con. Đến nay lươn phát triển khá đồng đều, hứa hẹn bội thu. Anh đã xây thêm hồ, nuôi thử nghiệm 300 con lươn đẻ nhằm tạo giống tại chỗ. Sau gần 3 tháng nuôi, anh vừa cho lươn đẻ được 500 lươn con, hiện đang ươm dưỡng.

Anh Tứ cũng đang nuôi thử nghiệm mấy chục con rắn ráo trâu - hiện là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - nếu thành công sẽ nhân rộng. Anh Tứ cho biết, thức ăn cho rắn là ếch, nhái, nhất là chuột. Rắn ăn 1 con chuột, nghỉ ăn 3 ngày, vẫn phát triển bình thường. Vốn đầu tư nuôi rắn không lớn, dễ lãi cao.

Anh còn nuôi cả tắc kè. “Bây giờ tắc kè rớt giá rồi, nhưng mà mình nuôi thử 30 con, biết đâu nó phát triển tốt, bán được giá cao. Còn đầu ra của con tắc kè, bán nguyên con sống thì hơi khó, nhưng mỗi con ngâm 1 lít rượu đóng chai, thì tiêu thụ không khó” - anh Tứ nói vậy.

Mô hình “vườn 3 tầng”

Trên khu vườn nhà chỉ khoảng 1.000 m2, anh Tứ đã suy nghĩ, nghiên cứu, xây dựng một mô hình vườn 3 tầng với tầng 1 là ao nuôi lươn, hồ nuôi trùn. Anh thả bèo và gác tre trên ao, hồ để nuôi gà ở tầng 2. Tầng thứ 3, anh làm giàn bằng trụ tre chắc chắn, trồng dây thiên lý và đậu rồng. Theo anh Tứ, từ tháng 8 đến tháng 2 là mùa của đậu rồng; cuối tháng giêng đến đầu tháng 9 mùa hoa thiên lý... Giàn cây vừa tạo bóng mát cho vật nuôi bên dưới, vừa có sản phẩm bán quanh năm. 

Nuôi bò, lấy phân bò cho trùn quế ăn, lấy trùn cho gà ăn, lấy phân gà và trùn cho lươn ăn, lấy phân trùn để bón cho một số loại cây trồng cạn (anh trồng khổ qua, lớn nhanh, trái to, dài, không sâu bệnh, tiêu thụ mạnh)… là cách làm khép kín của anh Tứ. Anh dự định nuôi bò lai, và đang lập dự án xin thuê lại 1,5 ha đất bãi bồi của xã Mỹ Phong để trồng điền trúc…

Nhớ lại hồi đầu năm 2011, anh Tứ về nhà giấu kín nỗi buồn khi ba mẹ ngờ vực, bạn bè bĩu môi; hàng xóm dị nghị: “kỹ sư mà đi hốt phân gà”, nhưng anh chỉ im lặng thực hiện ý tưởng riêng của mình. Tuy mô hình kinh tế của anh Tứ chưa mang lại hiệu quả cao vì thời gian triển khai chưa lâu, nhưng có thể  thấy đầy triển vọng.

  • THANH TRỌN - XUÂN LỘC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đề nghị hỗ trợ trên 383 tỉ đồng cho tàu cá đánh bắt khơi xa  (21/09/2012)
Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt  (21/09/2012)
Mỹ Thọ - vui mùa nếp mới  (20/09/2012)
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt  (20/09/2012)
Bán điện chui với giá “cắt cổ”  (20/09/2012)
Vượt khó, đón đầu cơ hội mới  (20/09/2012)
Điều chỉnh mức thu và việc miễn, giảm thủy lợi phí  (19/09/2012)
Nhân rộng những cách làm hay, điển hình tốt  (19/09/2012)
Thu mua gần 4.500 tấn mì nguyên liệu cho nông dân  (19/09/2012)
An Lão kiểm tra việc lấn chiếm đất rừng   (19/09/2012)
Nỗi lo trong mùa mưa bão  (18/09/2012)
Bình Định là địa phương thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao, sáng tạo  (18/09/2012)
Ngày mới ở thôn 6 - An Vinh  (18/09/2012)
Phục tráng giống lúa nếp đặc sản xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ)  (18/09/2012)
Xây dựng mô hình phòng chống đói, rét cho trâu, bò ở xã Vĩnh Kim  (18/09/2012)