Tiếp sức cho làng nghề mộc dân dụng xã Bình Hòa
21:23', 23/9/ 2012 (GMT+7)

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đời sống kinh tế-xã hội của xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn) ngày càng đi lên. Hiện nay, ngoài sản xuất lúa và một số loại cây trồng cạn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân Bình Hòa còn mở mang các nghề truyền thống để tăng thu nhập, trong đó có nghề mộc dân dụng.

 

Anh Nguyễn Ngọc Việt đang làm việc tại cơ sở mộc dân dụng của mình.

 

Yêu  nghề truyền thống

Một trong những “ông chủ” cơ sở mộc dân dụng ở Bình Hòa đang có xu hướng “ăn nên làm ra” là anh Nguyễn Ngọc Việt, 38 tuổi, ở xóm 8, thôn Trường Định. Anh Việt được học nghề mộc khá sớm, bắt đầu từ năm 16 tuổi, từ chính người anh ruột của mình. Sau khi học nghề xong, nắm được những bí quyết của nghề, có tay nghề khá tinh xảo, với quyết tâm phát triển nghề mộc dân dụng ở quê mình, năm 2010, anh Việt đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng cơ sở, lắp đặt máy móc, thiết bị chuyên dùng, kéo điện 3 pha, thuê lao động, thuê thợ giỏi phục vụ cho cơ sở của mình. 

Sản phẩm làm ra từ cơ sở của anh Việt là bàn ghế dựa, giường nằm, tủ đứng, đồ thờ tự, các loại cửa, salon… Ngoài các sản phẩm mộc dân dụng thông thường, cơ sở còn phục vụ theo đơn đặt hàng các mặt hàng mộc cao cấp có chạm khắc họa tiết, hoa văn trang trí. Được tiếng có tay nghề cao, tính tình chất phác, làm ăn có uy tín với khách hàng, luôn đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, nên cơ sở của anh Việt ngày càng có đông khách hàng. Ngoài sản xuất, anh còn đào tạo nghề cho lớp trẻ. Vài năm nay anh đã đào tạo nghề mộc cho một số thanh niên nông thôn, trong đó có 3 thợ lành nghề đã ra làm riêng. Hiện nay, cơ sở của anh Việt tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên với tiền công 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Giác, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa, nhận xét: Anh Việt là hội viên nông dân tích cực ở địa phương. Có nghề tinh xảo trong tay, anh Việt đã tận tình truyền dạy cho lao động nông thôn, nhất là lớp trẻ mới lớn lên. Không những không lấy tiền công dạy nghề, anh còn khuyến khích thanh niên địa phương học nghề bằng cách nuôi ăn không tính tiền trong 1 năm đầu, năm thứ 2 cho tiền tiêu vặt bằng tiền công phụ, sang năm thứ 3, lúc ra nghề thì trả tiền công thợ chính thức.

Tiếp sức cho làng nghề

Chỉ tính riêng ở thôn Trường Định, cùng làm nghề mộc dân dụng như anh Việt còn có 15 anh em khác mở các cơ sở sản xuất ở địa phương và có thu nhập khá cao. Họ vừa sản xuất vừa truyền nghề, dạy nghề mộc cho thanh niên trên địa bàn, tạo việc làm tại chỗ. Tuy nhiên, dù hiệu quả của nghề mộc dân dụng ở xã Bình Hòa thấy rõ, nhưng đa số người làm nghề  mộc ở đây thường xuyên rơi vào tình trạng “đói” vốn để mở rộng sản xuất. Ông Giác chia sẻ: “Anh em ngồi với nhau thường tâm sự, vốn để mua ván, gỗ nguyên  liệu, vốn để nâng cấp nhà xưởng, máy móc, thiết bị…là rất lớn, nhưng rất khó tiếp cận ngân hàng để vay vốn nên hoạt động cũng cầm chừng, khó phát triển mạnh”.

Thông qua các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, trong tháng 9.2012, Giám đốc Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho làng nghề mộc dân dụng xã Bình Hòa một dự án phát triển sản xuất với tổng số tiền 300 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 hộ làm nghề mộc ở địa phương trong thời gian 3 năm. Đây quả là tin vui với các chủ cơ sở mộc dân dụng ở Bình Hòa.

  • ĐÀO MINH TRUNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giúp người dân thoát nghèo bền vững  (23/09/2012)
Gần 2,4 tỉ đồng thực hiện các hoạt động XDNTM  (23/09/2012)
Giao khoán trên 17.649 ha rừng cho dân quản lý, bảo vệ  (23/09/2012)
Khai trương siêu thị Vinatex Tam Quan  (23/09/2012)
Tổ chức cho nông dân tham quan học tập sản xuất đậu nành tại tỉnh Đồng Nai  (22/09/2012)
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra Chương trình 30a, 134, 135 tại Vĩnh Thạnh  (21/09/2012)
Hai sàn tăng mạnh về điểm số và thanh khoản   (21/09/2012)
Ý tưởng “lớn” trên khu vườn nhỏ  (21/09/2012)
Đề nghị hỗ trợ trên 383 tỉ đồng cho tàu cá đánh bắt khơi xa  (21/09/2012)
Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt  (21/09/2012)
Mỹ Thọ - vui mùa nếp mới  (20/09/2012)
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt  (20/09/2012)
Bán điện chui với giá “cắt cổ”  (20/09/2012)
Vượt khó, đón đầu cơ hội mới  (20/09/2012)
Điều chỉnh mức thu và việc miễn, giảm thủy lợi phí  (19/09/2012)