Thị trường hàng hóa tiêu dùng:
Sức mua tập trung vào nhóm hàng thiết yếu
18:19', 24/9/ 2012 (GMT+7)

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, thị trường hàng tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, việc tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn ổn định, còn các nhóm hàng khác đều rơi vào tình trạng ế ẩm.

Kể từ khi giá cả hàng hóa tăng và đứng ở mức cao, để đảm bảo cho nhu cầu hàng ngày, đa số người tiêu dùng (NTD) có xu hướng hạn chế mua sắm và chỉ tập trung vào các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như các loại thực phẩm, hóa mỹ phẩm… Vì vậy, ngoài các nhóm hàng cơ bản này, việc kinh doanh các nhóm hàng khác như: quần áo, phụ kiện thời trang, dụng cụ nhà bếp, đồ nhựa, hàng điện máy, xe máy, điện tử… đều gặp khó khăn vì sức mua yếu.

 
Khách hàng đang chọn mua thực phẩm tại Co.opMart Quy Nhơn.

Chẳng hạn, với các sản phẩm quần áo thời trang, mặc dù được tăng cường khuyến mãi, có nơi giảm giá đến 50%, nhưng đa số cửa hiệu vẫn vắng khách. Mặt hàng điện máy, điện lạnh được khuyến mãi thường xuyên, thậm chí nhiều cửa hàng còn thực hiện chương trình mua trả góp, song hầu hết các cửa hàng điện máy, điện lạnh cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, không kéo được khách mua.

Hiện nay, tuy sức mua của nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các sản phẩm hóa mỹ phẩm dùng cho cá nhân và gia đình vẫn ổn định, song để kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hơn nữa, các siêu thị đều tăng cường khuyến mãi, các đại lý nhỏ lẻ cũng chấp nhận giảm tối đa mức chiết khấu ở các nhóm hàng tiêu dùng cơ bản.

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến mãi của các siêu thị cũng là nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời chia sẻ gánh nặng về giá cho NTD. Trong bối cảnh người dân đang phải tiết kiệm chi tiêu, thì việc giảm giá các sản phẩm cơ bản như: đường, dầu ăn, sữa, hay nước tẩy rửa, bột giặt… đã đáp ứng đúng nhu cầu của người mua sắm, đánh trúng tâm lý tiêu dùng. Ngoài giảm giá còn được tặng kèm quà tặng khác, nên NTD ngày càng có xu hướng mua sắm ở siêu thị hơn là ở chợ truyền thống, bởi cứ “đặt chân” tới siêu thị là có khuyến mãi.

Co.opMart Quy Nhơn vừa triển khai chương trình “Tự hào hàng Việt 2012”, với  nhiều sản phẩm thiết yếu được bán với mức giảm giá nhiều nhất đến 49%. Vinatex Quy Nhơn cũng đưa ra chương trình khuyến mãi theo chủ đề từng tuần và chủ yếu cũng ưu tiên khuyến mãi các mặt hàng như: dầu ăn, bột ngọt, đường, sữa, dầu gội, sữa tắm… Có thể thấy, nhóm mặt hàng hóa mỹ phẩm tại các siêu thị có mức khuyến mãi cao nhất, chưa kể nhiều loại dầu gội, dầu xả, bột giặt, nước rửa chén... còn được tặng kèm nhiều sản phẩm khác; kế tiếp là nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng như dầu ăn, mì gói, nước mắm, nước tương… Do mức khuyến mãi khá hấp dẫn nên đã thu hút nhiều NTD đến siêu thị để mua sắm.

Do kinh tế khó khăn, tình hình mua bán cũng khó khăn hơn trước nhiều, các mặt hàng thu hẹp dần, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng tiêu dùng hàng ngày. NTD cũng so giá rất kỹ trước khi mua, chỉ cần bán mắc hơn nơi khác 1.000 đồng/một món hàng là đã mất khách

Theo thống kê từ Co.opMart, hiện các mặt hàng bán chạy nhất vẫn thuộc nhóm hàng thiết yếu: đường, gạo, nước mắm, sữa, nước tương, dầu ăn, mì gói, sữa tắm, bột giặt… Ông Nguyễn Danh Nhân, Phó Giám đốc Co.op Mart Quy  Nhơn, cho biết: “Hàng tiêu dùng thiết yếu hiện nay chủ yếu là sản phẩm của Việt Nam, nên khuyến mãi hàng thiết yếu cũng chính là khuyến mãi hàng Việt, cổ vũ hàng Việt. Ngoài ra, hàng nội đang có lợi thế giá cả vừa với túi tiền NTD. Các sản phẩm đạt doanh số bán hàng cao luôn thuộc các ngành hàng nhu yếu phẩm bao gồm thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Ngoài chương trình khuyến mãi lớn vừa kết thúc, hiện nay, Co.opMart vẫn liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi khác, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các nhóm hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc”.

Không đủ lực để đưa ra các khuyến mãi như các siêu thị, các đại lý kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu chấp nhận giảm tối đa mức chiết khấu để giữ giá nhằm duy trì sức mua. Nhiều tiểu thương buôn bán hàng tạp hóa ở TP Quy Nhơn đều cho rằng: Do kinh tế khó khăn, tình hình mua bán cũng khó khăn hơn trước nhiều, các mặt hàng thu hẹp dần, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng tiêu dùng hàng ngày. NTD cũng so giá rất kỹ trước khi mua, chỉ cần bán mắc hơn nơi khác 1.000 đồng/một món hàng là đã mất khách. Vì vậy, phải chấp nhận mức lãi rất thấp để bán được hàng…

  • MAI HỒNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiểm soát chặt trái cây nhập khẩu  (24/09/2012)
19 doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn  (24/09/2012)
Tiếp sức cho làng nghề mộc dân dụng xã Bình Hòa  (23/09/2012)
Giúp người dân thoát nghèo bền vững  (23/09/2012)
Gần 2,4 tỉ đồng thực hiện các hoạt động XDNTM  (23/09/2012)
Giao khoán trên 17.649 ha rừng cho dân quản lý, bảo vệ  (23/09/2012)
Khai trương siêu thị Vinatex Tam Quan  (23/09/2012)
Tổ chức cho nông dân tham quan học tập sản xuất đậu nành tại tỉnh Đồng Nai  (22/09/2012)
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra Chương trình 30a, 134, 135 tại Vĩnh Thạnh  (21/09/2012)
Hai sàn tăng mạnh về điểm số và thanh khoản   (21/09/2012)
Ý tưởng “lớn” trên khu vườn nhỏ  (21/09/2012)
Đề nghị hỗ trợ trên 383 tỉ đồng cho tàu cá đánh bắt khơi xa  (21/09/2012)
Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt  (21/09/2012)
Mỹ Thọ - vui mùa nếp mới  (20/09/2012)
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt  (20/09/2012)