Hiện nay, khi mùa mưa lũ đang đến gần, các đơn vị thi công tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn huyện Hoài Ân đang chạy đua với thời gian để kịp tiến độ vượt lũ, đảm bảo đưa các hạng mục công trình về đích đúng hẹn.
|
Lực lượng cơ giới thi công tuyến bờ kè sông An Lão thuộc xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân.
|
Nhiều CTTL xuống cấp
Theo UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có tất cả 21 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích gần 30 triệu m3 nước. Ngoài nhiệm vụ tích nước đảm bảo tưới cho trên 4.000 ha đất canh tác hàng năm, các hồ chứa nước ở địa phương còn có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực lũ, ngăn cắt lũ đầu nguồn, tránh tình trạng ngập lụt sâu ở vùng hạ du. Tuy nhiên, qua thời gian dài khai thác sử dụng, đến nay nhiều CTTL đã có dấu hiệu xuống cấp. Qua kiểm tra, trong tổng số 21 hồ chứa nước trên địa bàn hiện chỉ có 10 hồ chứa là thật sự an toàn nhờ được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, số còn lại đều bị đặt trong tình trạng cảnh giác cao trong mùa mưa lũ.
Ông Hoàng Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Hoài Ân, cho biết: Hầu hết đập đất của các hồ chứa nước trên địa bàn huyện đều bị xói lở, có hồ phần đập đất bị nước lũ của các năm trước cuốn trôi, tạo thành những rãnh sâu vào thân đập nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Nhiều hồ chứa do thân đập đất không được lát đá bảo vệ nên bị nước mưa xâm thực tạo thành nhiều hố, bậc thụt gây nguy cơ sạt lở. Còn hơn 10 hồ chứa sử dụng tràn đất, sau mỗi mùa bão lụt đều bị xói lở. Nguy hiểm hơn, một số hồ chứa còn xuất hiện ổ mối trong thân đập, tạo những lỗ rò rỉ rất đáng ngại. Trong số những hồ chứa bị xuống cấp, có những hồ đang ở tình trạng báo động như: hồ Kim Sơn, Mỹ Đức, Hóc Của, Hóc Sim, Suối Rùn, Suối Trắng… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục đập dâng lớn nhỏ, hàng trăm km đê kè, kênh mương thủy lợi đã được xây dựng từ lâu nên đã bị xuống cấp; tuy hằng năm địa phương đều có đầu tư gia cố, tu sửa, song chỉ là sửa chữa nhỏ.
Để giảm thiểu thiệt hại do lụt bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn có kế hoạch, phương án bảo vệ tốt các CTTL theo phương châm “4 tại chỗ”. Có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các CTTL xung yếu; xây dựng các phương án bảo vệ an toàn công trình, dự kiến các tình huống sự cố và phương án cứu hộ cụ thể.
|
Thi công nâng cấp kè chống sạt lở đường giao thông đến xã Đăk Mang.
|
Đẩy nhanh tiến độ thi công vượt lũ
Trên các CTTL trọng điểm của huyện Hoài Ân, những ngày cuối tháng 9, các đơn vị thi công đang dồn toàn lực làm việc liên tục 3 ca để kịp tiến độ vượt lũ. Ông Hoàng Thanh Ngọc cho biết thêm: Trong năm 2012, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn khác, địa phương đầu tư hơn 70 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa hơn 10 công trình giao thông, thủy lợi xung yếu. Hầu hết các công trình đã hoàn thành vượt lũ đúng thời gian quy định; một số công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng.
Ông Phạm Đại Kỳ, thuộc Công ty TNHH Xây dựng Tân Lập, Chỉ huy thi công công trình nâng cấp, gia cố kè chống sạt lở đường đến xã Đăk Mang, cho biết: “Đến thời điểm này, khối lượng đất đào, đắp các loại đã cơ bản hoàn thành vượt lũ. Đơn vị đang tổ chức đào móng chân khay để thả đá rối, hoàn thiện phần cơ giới trước khi mùa mưa lũ đến. Hiện nay, trên công trường có 5 xe đào, 2 xe ủi, 1 xe lu, 6 ô tô tải và hàng chục công nhân lao động chia nhau làm việc 3 ca để đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra”.
Ông Đặng Đức Mỹ, cán bộ Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Hoài Ân, cho biết thêm: Đến cuối tháng 9 này, các CTTL xung yếu trên địa bàn đã được các nhà thầu thi công vượt lũ an toàn. Vừa qua, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra toàn bộ các công trình, rà soát lại các hồ chứa nước, đê điều, hệ thống kênh mương, đập dâng trên sông để triển khai các phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ. Các ngành chức năng của huyện cũng đã chủ động triển khai các phương án, biện pháp đối phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả đối với hệ thống CTTL ở địa phương; tránh các sự cố do vỡ hồ, đập gây ra.
Các xã, thị trấn trong huyện cũng đã thành lập các tổ, đội thanh niên xung kích có nhiệm vụ bảo vệ và kịp thời ứng cứu tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình phúc lợi xã hội khi có mưa lũ lớn xảy ra. Tại các tuyến đường giao thông quan trọng thường xuyên bị ngập lụt sâu trong mùa mưa lũ, huyện cũng đã yêu cầu các địa phương bố trí người trực thường xuyên; cắm biển báo nguy hiểm ở những đoạn đường bị ngập sâu, nước lũ chảy xiết; phân công lực lượng thanh niên xung kích thường trực tại các bến đò để vận chuyển người dân đi lại trong suốt mùa bão lũ.
Các CTTL ở Hoài Ân được đầu tư sửa chữa, nâng cấp gồm: Nâng cấp, tu sửa hồ chứa nước Thạch Khê (ở xã Ân Tường Đông), vốn đầu tư 27 tỉ đồng; nâng cấp bờ kè Bình Hòa Nam (xã Ân Hảo Đông), vốn đầu tư 5 tỉ đồng; nâng cấp bờ kè sông Hiệp Định, kiên cố hóa hệ thống kênh mương xã Ân Hảo Tây gần 6 tỉ đồng; nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Ân Đôn (xã Ân Phong) 27 tỉ đồng; nâng cấp bờ kè Phú Hữu (xã Ân Hữu) 7,6 tỉ đồng; nâng cấp bờ kè Bình Sơn (xã Ân Nghĩa) 8,5 tỉ đồng; nâng cấp bờ kè xã Đăk Mang 10 tỉ đồng; nâng cấp kênh mương Hóc Sáu (xã Ân Đức) 6,4 tỉ đồng; bê tông hóa kênh Hóc Sáu (xã Ân Đức) 6,4 tỉ đồng… |
|