Bình Định là 1 trong 9 tỉnh thành được chọn tham gia Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai (QLĐĐ) Việt Nam” (Dự án VLAP). Thời gian qua, Ban quản lý (BQL) Dự án VLAP tỉnh, Sở TN-MT, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai dự án. Tuy nhiên, để dự án hoàn thành đúng tiến độ, cần có sự chung tay, góp sức và nỗ lực nhiều hơn của các cơ quan chức năng.
|
Tuy Phước là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Dự án VLAP.
- Trong ảnh: Lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước trao GCN QSDĐ cho các hộ dân.
|
Hiệu quả bước đầu
Triển khai thực hiện Dự án VLAP được xem là khâu đột phá để Bình Định hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống QLĐĐ. Dự án sẽ giúp tỉnh ta hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), tổ chức lại toàn bộ hệ thống QLĐĐ điện tử…
Thời gian qua, trong điều kiện khó khăn do một số gói thầu chậm được phê duyệt, vốn đối ứng gặp trở ngại… đã ảnh hưởng tiến độ chung của dự án, song Ban quản lý (BQL) Dự án VLAP tỉnh và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai dự án. Ông Đặng Trung Thành - Phó Giám đốc Sở TN-MT, Phó BQL dự án, cho biết: Tính đến ngày 18.9.2012, tại địa bàn huyện Tuy Phước có 134.843 hồ sơ (thửa đất) được xét duyệt; trong đó có 107.867 hồ sơ đủ điều kiện và 106.597 hồ sơ được UBND huyện ký duyệt. Ở huyện Phù Mỹ, có 196.581 hồ sơ (thửa đất) đã được xét duyệt, trong đó có 170.292 hồ sơ đủ điều kiện và UBND huyện đã ký 162.675 GCN QSDĐ...
Ngoài ra, các nhà thầu còn tiếp tục hoàn thiện công tác kiểm tra, đối chứng kết quả đã đo và nghiệm thu tại 2 huyện Phù Cát và An Lão. Đến nay, nhà thầu đã tiến hành đo vẽ, lập bản đồ địa chính gần 8.390 ha đất tại 4 xã của huyện Phù Cát (Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Sơn, Cát Lâm) và đo vẽ gần 8.064 ha đất của 9 xã, 1 thị trấn thuộc huyện An Lão. Đặc biệt, BQL dự án đã hoàn thành việc đấu thầu, bàn giao máy tính và modem ADSL cho các xã, phường trên địa bàn TP Quy Nhơn; hoàn thiện hồ sơ mời thầu các gói thầu thực hiện đấu thầu cạnh tranh thuộc huyện Phù Cát và đã xét thầu xong gửi kết quả cho BQL Dự án VLAP Trung ương và WB thẩm định.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Ông Đặng Trung Thành cho biết: Tuy đã đạt được một số kết quả, song vẫn còn tình trạng một số người dân chưa được tiếp cận với các thông tin về Dự án VLAP, nhất là về những lợi ích mà dự án mang lại, cũng như trách nhiệm của người sử dụng đất. Vì vậy, đôi lúc cơ quan chức năng và nhà thầu chưa nhận được sự hợp tác tích cực từ phía người sử dụng đất, làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Điều đáng lo ngại là hiện tại khối lượng thi công của cả 5 gói thầu dịch vụ kỹ thuật khá lớn, tính chất công việc phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, đòi hỏi hồ sơ cấp GCN QSDĐ phải chặt chẽ, đầy đủ theo quy định. Trong khi đó, nhân lực và thiết bị của nhà thầu có phần hạn chế.
Trong thời gian tới, BQL Dự án VLAP tỉnh sẽ thường xuyên đôn đốc, nắm chắc tình hình thực hiện dự án để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đối với 5 gói thầu triển khai ở 2 huyện Phù Mỹ và Tuy Phước, sẽ tập trung chủ yếu vào công tác hoàn thiện hồ sơ, trình ký GCN , xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; đẩy nhanh việc trao GCN QSDĐ cho các chủ sử dụng đất và tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hồ sơ địa chính các xã đã hoàn thành cấp GCN QSDĐ. Tổ chức kiểm tra, nghiệm thu hồ sơ địa chính từng xã, thị trấn khi sản phẩm đạt yêu cầu. Riêng đối với gói thầu thuộc 2 huyện Phù Cát và An Lão, yêu cầu đề ra là phải hoàn thành kiểm tra công tác đo đạc, lập bản đồ đối với các gói thầu do Tổng Công ty TN-MT Việt Nam thi công; tổ chức đăng ký đất đai, cấp GCN QSDĐ.
Theo ông Đặng Trung Thành, đến tháng 6.2013, Dự án VLAP sẽ kết thúc. Thời gian của dự án không còn nhiều, nên đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức, sự phối hợp đồng bộ giữa BQL Dự án, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, nhất là sự đồng thuận của người dân.
Dự án VLAP do Bộ TN-MT chủ trì, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng kinh phí 100 triệu USD, trong đó WB tài trợ 75 triệu USD (bằng nguồn vốn IDA); Chính phủ Việt Nam đối ứng 1 triệu USD, còn lại 24 triệu USD lấy từ nguồn ngân sách của các địa phương tham gia dự án. Riêng Bình Định, Dự án VLAP có số vốn đầu tư 12,135 triệu USD, trong đó vốn IDA 8,915 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 3,22 triệu USD. |
|