Đã 2 năm triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những thành tựu bước đầu, nhìn chung tiến độ triển khai còn chậm. Để đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cần phải có những giải pháp tích cực và khả thi.
|
Một góc xã Hoài Hương (Hoài Nhơn). Ảnh: VĂN LƯU
|
Những tồn tại
Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh XDNTM, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền XDNTM của một số địa phương còn hạn chế, chưa động viên mọi người cùng tham gia. Một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa, lợi ích của chương trình XDNTM, coi việc XDNTM là của chính quyền các cấp, nên tại một số cơ sở, công tác triển khai còn lúng túng, nhất là cơ chế huy động nội lực trong nhân dân, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn XDNTM.
Mục tiêu XDNTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. |
Một số tiêu chí của chương trình XDNTM khá mới mẻ đối với đội ngũ cán bộ cấp địa phương, nên tiến độ thực hiện chậm hơn so với kế hoạch. Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để thực hiện từng nhóm tiêu chí, các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn triển khai cho chương trình cũng rất ít; cán bộ làm công tác XDNTM ở cấp huyện phần lớn là kiêm nhiệm nên rất lúng túng trong triển khai thực hiện.
Đến nay, các địa phương mới hoàn thành việc lập dự thảo đề án NTM cấp huyện. Mặt khác, việc điều tra, nắm thực trạng của các xã chưa chuẩn dẫn đến xây dựng đề án chưa sát thực, không bám sát mục tiêu, chưa xác định được nội dung cụ thể cần làm; chưa chú trọng lập các dự án phát triển sản xuất; chưa chú trọng phát huy nội lực của địa phương, nhất là cộng đồng dân cư trong XDNTM.
Mặt khác, bộ mặt nông thôn tuy có phát triển nhưng nhìn chung đời sống nhân dân một số nơi còn ở mức thấp; vấn đề giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn đang gặp khó khăn; trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, ở một số mặt còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và chính quyền chưa đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, thiếu chính sách thu hút đầu tư nguồn nhân lực; vốn ngân sách địa phương ít, các chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư vào địa phương còn hạn chế…
Nhìn chung, khó khăn cơ bản nhất là vấn đề vốn, cơ chế và tổ chức thực hiện. Tại một số địa phương, không thấy tính chủ động của cán bộ, nhân dân trong việc đóng góp ý tưởng về việc làm, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, phát triển sản xuất, xây dựng các hình thức sản xuất có hiệu quả ngay ở địa phương mình. Đồng thời, qua thực tế tại các địa phương trong tỉnh, trong Bộ tiêu chí có những tiêu chí tỏ ra bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế của các vùng nông thôn và cần được Trung ương điều chỉnh bổ sung.
Một số giải pháp
Có thể thấy rằng, mỗi địa phương với những đặc thù kinh tế, xã hội và cách lãnh đạo, chỉ đạo khác nhau, sẽ có lộ trình, thời gian cũng như kết quả đạt được không thể giống nhau. Nếu các tổ chức đảng và chính quyền các cấp nhận rõ những bất cập, khó khăn, tìm ra những hướng đi sáng tạo, đặc biệt là sự đồng thuận trong nhân dân, thì chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực. Điều quan trọng nhất là tăng cường công tác tuyên truyền để phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình.
Theo kế hoạch, đến năm 2015 toàn tỉnh có 27/124 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã điểm của tỉnh là: Nhơn Lộc (An Nhơn), Bình Nghi (Tây Sơn), Hoài Hương (Hoài Nhơn), Ân Thạnh (Hoài Ân); đến năm 2020 toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM. |
Cần kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý XDNTM các cấp, tổ chức bồi dưỡng kiến thức về XDNTM tại các xã; tiến hành đánh giá, rà soát so sánh hiện trạng với các tiêu chuẩn NTM để xây dựng đề án. Các chương trình phải được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Quan tâm công tác đào tạo cán bộ quản lý XDNTM ở xã, huyện.
Quan tâm đến công tác quy hoạch, xây dựng, nâng cấp hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường, trạm, chợ, nước hợp vệ sinh, các công trình văn hóa… Để đầu tư có hiệu quả, các địa phương cần xem xét đánh giá kỹ đâu là công trình cần đầu tư theo chương trình XDNTM, tránh sự trùng lặp và coi tất cả các hạng mục công trình được xây dựng ở nông thôn là của chương trình XDNTM.
Việc đô thị hóa cần được tiến hành theo hướng “ly nông bất ly hương”, chuyển lao động làm nông, lâm, thủy sản sang làm công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, nhưng không bằng con đường chuyển lao động ở khu vực nông thôn ra thành thị, mà phải hình thành các thị trấn, khu vực dân cư mới ở vùng nông thôn. Khuyến khích những người có vốn đưa vốn về nông thôn xây dựng cơ sở công nghiệp (CN), dịch vụ để hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Về quy hoạch: Hoàn thành việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; CN, khu CN và quy hoạch chuyên ngành theo vùng. Quy hoạch NTM bảo đảm hiện đại, văn minh, bền vững, ổn định cho sự phát triển sản xuất và phát triển đô thị. Phát triển mạnh CN, dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN-TTCN. Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập của dân cư nông thôn.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Định rõ chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân ở các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất gắn với kế hoạch phát triển của địa phương; đẩy mạnh xuất khẩu lao động từ nông thôn. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả: hỗ trợ phát triển HTX, sản xuất hàng hóa theo mô hình gia trại, trang trại, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống nông thôn…, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả.
Tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư, hình thành và phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp (DN) nông thôn, nhất là các DN có đầu tư sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động tại chỗ…, phát triển DN công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến, xây dựng nhiều mô hình mới, các mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả; sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội phục vụ nhân dân, trước tiên áp dụng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo…
|