Mặc dù nhu cầu đang tăng cao, song Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương khẳng định sẽ nỗ lực đảm bảo đủ thực phẩm cho Tết Quý Tỵ, đồng thời không để tăng giá.
Sau khi các tỉnh miền Bắc thực hiện chiến dịch truy bắt, kiểm soát chặt chẽ tình trạng gà lậu thì tại nhiều nơi, giá thịt gia cầm tăng từng ngày. Tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… chưa bao giờ giá gà tăng nhanh như những ngày qua, chỉ trong vòng một tháng đã tăng 20-30%. Trong đó gà công nghiệp (lông trắng) tăng nhanh nhất từ 60.000 lên 90.000 đồng/kg, gà ta từ 130.000 lên 160.000 đồng/kg. Nguyên nhân nguồn gà nuôi trong nước không đủ, nhiều tháng qua do sức ép của gà nhập lậu, nhiều chủ trại, cơ sở nuôi đã bất lực bỏ đàn.
Cũng do tâm lý lo sợ cuối năm giá thịt sẽ lên nên hiện nhiều chủ trại, chủ hộ gia đình, cơ sở nuôi tư nhân không còn muốn xuất đàn nữa mà “găm” lại để chờ tới cận Tết Quý Tỵ mới tung ra bán, nhằm đón giá cao. Vì thế vô tình làm nguồn cung thực phẩm thời điểm hiện tại trở nên khan sốt, đẩy giá lên như hiện nay. Không chỉ giá thịt mà trứng gia cầm cũng tăng 8.000 đồng/chục so với cách đây vài tuần. Trứng gà đỏ 28.000 - 30.000 đồng/chục, trứng vịt 30.000 - 33.000 đồng/chục, gà ta 35.000 đồng/chục.
Trong khi đó, thời gian gần đây nhiều thương lái ở miền Trung và miền Nam chở ngược thịt heo ra Bắc để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vì nghe thông tin Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua vào dịp cuối năm. Tại hai cửa ngõ Lạng Sơn và Móng Cái - Quảng Ninh hầu như ngày nào cũng có xe chở heo lên xuất khẩu. Nhiều người lo ngại, hiện tượng xuất heo qua biên giới nếu không kiểm soát, cân đối tốt có thể sẽ lại gây ra tình trạng sốt heo hơi, đẩy giá lên như đợt cận Tết Nguyên đán năm ngoái.
Khoảng gần 1 tháng nay, mỗi ngày có hàng trăm xe chở gia súc, gia cầm thu gom từ các tỉnh ở Nam Trung bộ, Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long để chở ra Bắc vì giá thịt gia súc, gia cầm ở miền Bắc đang chênh cao so với miền Nam tới 6.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, giá cả như hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát. Trước lo ngại nguồn cung thực phẩm gia cầm trong Tết Quý Tỵ có thể bị thiếu hụt, ông Dương khẳng định: “Nguồn cung thực phẩm trong và sau Tết Quý Tỵ sẽ đủ, tuy nhiên giá gia cầm sẽ tăng một chút nhưng người tiêu dùng phải chấp nhận để người chăn nuôi có lãi sau thời gian dài họ chịu thua lỗ nặng”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng khẳng định, bộ đang nỗ lực triển khai các biện pháp để kiềm chế giá, không để tăng đột biến vào dịp tết. Hiện Bộ NN-PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển đàn gia súc, gia cầm ổn định, đặc biệt coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, đảm bảo đủ nguồn rau xanh. Hiện ngành chăn nuôi có khả năng cung ứng cho thị trường mỗi tháng từ 220.000 - 230.000 tấn thịt heo và 50.000 - 60.000 tấn thịt gia cầm. Vì vậy sẽ đảm bảo không thiếu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND TP Hà Nội cũng đã “bắt tay” cùng cung ứng nguồn gà thịt từ Bắc Giang cho thị trường Hà Nội để ngăn chặn nguồn gà nhập lậu, gà thải loại. Để quản lý về chất lượng, tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ tiến hành kiểm tra giám sát chất lượng, kiểm dịch, gắn tem nhãn mang thương hiệu “gà đồi Yên Thế”. Các điểm bán, quầy lưu động, các xe vận chuyển… đều gắn thương hiệu “gà đồi Yên Thế” để tăng cường quản lý nhãn hiệu hàng hóa.
. Theo SGGP |