|
Người dân sẵn sàng nộp phí như cách tính phí phải công bằng, phù hợp... |
Nhiều phường, xã còn chưa nắm được cách thức thu; người dân thì chưa thực sự đồng tình với cách tính phí.
Sau 4 ngày chính thức có hiệu lực, đã có hàng trăm nghìn người đến nộp phí bảo trì đường bộ. Nhiều người cho biết, trước sau gì cũng phải nộp vì đây là qui định của Nhà nước mà không quan tâm đến chuyện phí này đã hợp lý hay chưa. Ở một luồng ý kiến khác thì cho rằng, có quá nhiều bất cập khi tiến hành thu loại phí này.
Người nộp lưỡng lự
Nhiều người cho rằng, nên thu loại phí này vào tiền xăng dầu, vì anh đi nhiều sẽ phải đổ nhiều xăng. Nhưng phản biện lại quan điểm này, có ý kiến phân tích, nếu thu vào tiền xăng thì đâu riêng xe ô tô và xe máy mới sử dụng xăng dầu, nhất là ở những vùng miền người dân đi lại bằng sông nước và sử dụng xăng dầu để phục vụ đồng áng. Còn thu vào bảo hiểm thì cũng không đúng vì không thể hiện sự công bằng khi tham gia (xe nào cũng đóng tiền như nhau).
Theo ý kiến của bạn đọc Hồ Chí Quyến gửi đến VOV online thì thu qua tuyến đường và km tham gia trên những tuyến đường nhất định là cách đánh giá đúng đắn nhất. Chẳng ai đóng tiền sửa chữa đường bộ khi xe cứ chạy trên những con đường nông thôn mà tự mình bỏ tiền ra làm. Chẳng ai đóng tiền khi chạy xe trên những con đường đầy ổ gà, ổ vịt. Và bạn đọc này có đặt ra câu hỏi “Có lẽ không ai đi thực tế hay thăm dò ý kiến của dân khi họ là người trực tiếp chịu mức tiền đóng hay sao? Số tiền đối với người này là nhỏ nhưng đối với người kia là lớn, ở đây người ta sử dụng chiếc xe đến cảnh sát giao thông không muốn phạt vì thấy thương cho dân”.
Lời giải đáp cho những trường hợp như máy móc khác không tham gia giao thông đường bộ mà sử dụng dầu diesel hoặc một số ít máy khác sử dụng xăng thì phải chịu một phần phí đó qua giá xăng dầu do khí thải ra môi trường(?!).
Nhiều người cũng đặt ra bài toán công bằng giữa nhà nước và người dân trong tình huống này. Họ cho rằng, xe làm hỏng đường thu phí là lẽ đương nhiên rồi nhưng ở vùng sâu vùng xa đường làm hỏng xe thì có nên thu phí không? Câu hỏi này tưởng như đơn giản nhưng lại không dễ trả lời. Bởi lẽ, cách đền đáp cho dân tốt nhất là chất lượng các công trình phải đảm bảo để người dân vui vẻ “móc hầu bao” của mình để nộp phí. Mà điều này lâu nay nhiều nơi đã không làm được. Nếu xây dựng được các công trình giao thông đạt chuẩn thì Nhà nước không còn phải lo trả lời câu hỏi “đường làm hỏng xe thì có phải đền?”.
Việc đóng góp tiền tu sửa đường xá là điều mọi người không phản đối, vì ai cũng muốn được đi trên những con đường tốt. Vấn đề là số tiền người dân đóng góp sẽ được sử dụng như thế nào, quản lý làm sao cho khỏi rơi vào tay những kẻ tham nhũng đang chờ thời cơ như thi công không đúng kỹ thuật, bớt xén vật liệu rồi nghiệm thu bằng phong bì và kết quả là người dân đóng góp tiền nhưng vẫn phải đi trên những con đường xấu đầy nguy hiểm…
Người thu bối rối…
Bộ Tài chính đã có Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí. Tuy nhiên, quy định giao UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với mô tô, xe máy tại thông tư này dường như làm khó cho chính quyền địa phương.
Theo Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, mô tô, xe máy có dung tích xi lanh đến 100cm3 có mức thu phí 50.000 - 100.000 đồng/năm; loại có dung tích xi lanh trên 100cm3: 100.000 - 150.000 đồng/năm. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với mô tô, xe máy của tổ chức và cá nhân trên địa bàn.
Về phương thức thu phí BTĐB, sau khi có thông tư hướng dẫn, UBND các phường, xã, thị trấn sẽ triển khai xuống các tổ dân phố, khu dân cư. Các cán bộ dân phố sẽ đến các gia đình phát phiếu yêu cầu người dân kê khai, sau đó tổ chức thu phí. Nguồn phí thu được, các phường, xã, thị trấn được giữ lại 10-20%.
Trong văn bản của Bộ Tài chính gửi các địa phương nêu rõ: Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố kịp thời ban hành Quyết định về mức thu phí đối với xe mô tô, tỷ lệ để lại tiền phí thu được và chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai việc hướng dẫn kê khai; tổ chức thu, nộp phí và lập hồ sơ quản lý số lượng xe mô tô hiện có ở địa phương làm cơ sở cho việc quản lý thu, nộp phí cho các năm sau. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh phí và lệ phí, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ có thể làm được việc này khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố. Nhưng, tại kỳ họp HĐND 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM mới đây lại không đưa nội dung này ra bàn bạc, lấy ý kiến nên chính quyền các xã, phường, thị trấn lại càng thiếu cơ sở để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đến nay nhiều địa phương vẫn còn khá thờ ơ với việc thu phí bảo trì đường bộ. Nhiều phường, xã trên địa bàn Hà Nội mới bắt đầu triển khai tới các Tổ trưởng dân phố để thống kê xe máy, ô tô. Một người dân ở phường Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa được phổ biến bất cứ thông tin gì về việc thu loại phí này và cũng chưa có ai đến thống kê số lượng xe máy của gia đình.
Trở lại với nội dung Thông tư 197/2012/TT-BTC, nếu với cách thức tiến hành thì cả nước sẽ có hàng trăm ngàn tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn đảm đương thêm nhiệm vụ thu phí cho Quỹ BTĐB. Bởi lẽ, đây là lực lượng gần dân nhất, nắm rõ các số liệu, tình hình sử dụng phương tiện trên địa bàn (sau khi đã thống kê).
. Theo VOV |